Ở cái xã tận cùng xa, tận cùng khó của tỉnh Lai Châu, người dân vẫn truyền tai nhau những câu chuyện lạ kỳ về một dân tộc khắc khoải đi kiếm tìm tên mình trong suốt mấy trăm năm. Họ có một hệ ngôn ngữ, văn hóa, truyền thuyết và cả những chứng nhân riêng để có thể lên tiếng tự nhận mình là người La Ha, tộc người kiêu hùng bên trời Tây Bắc.
Những người già trong suốt hành trình chúng tôi đi đều tự nhận mình là con cháu của thủ lĩnh Im Poi-Thủ lĩnh của người La Ha gần một nghìn năm trước. Thế nhưng, từ rất lâu, người La Ha vẫn chỉ “được” chính quyền xã, huyện và cả tỉnh Lai Châu gọi là Khơ Mú. Bí ẩn về tên gọi của tộc người này đến nay vẫn chưa được sáng rõ.
Tộc người kiêu hùng bên trời Tây Bắc
Mất cả một buổi chiều lặn lội từ bản trung tâm Phiêng Giềng, ngược nguồn sông Nậm Mu, chúng tôi mới tới bản Sài Lương để tìm thầy mo cuối cùng của tộc người có số phận lạ kỳ nhất, Hoàng Văn Păn.
Ông Păn là người từng nắm giữ bộ lịch xương sườn trâu, bộ lịch được xem như “gia phả” của người La Ha. Đây là cơ sở để phân biệt tộc người này với các tộc người khác sống ở vùng Tây Bắc.
Nhưng phải chờ đợi trong thấp thỏm suốt 3 tiếng đồng hồ thì vị “pháp sư” Hoàng Văn Păn mới xuất hiện. Dáng người cao bệ vệ, khuôn mặt khắc khổ, bàn tay đen sạm nhưng rắn chắc, hai vai nhô cao quá khổ, cả người ông như con hổ của núi rừng.
Thời gian chúng tôi chờ đợi cũng đủ để chiều chuyển sang đêm. Màn đêm lừng lững bủa vây, núi đồi xám xịt, chỉ có ngọn lửa phập phồng cháy giữa nhà sàn của vị thầy mo là đủ tỏ mặt người.
Khi được hỏi về gốc tích của người La Ha, ông già Păn ngồi thừ người một lúc lâu. Vẻ mặt của vị thầy mo sắp bước sang tuổi 80 này càng hiện rõ vẻ khắc khổ trong ánh lửa.
Nhấp một ngụm rượu, thầy mo nói: Người La Ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc từ thế kỷ XI. La Ha là tộc người đầu tiên xuất hiện trên cánh đồng Mường Than.
Theo những người già kể lại thì khi người Thái Ðen thiên di tới vùng Mường Than [cánh đồng Mường Than, thuộc hai huyện Tân Uyên và Than Uyên – Lai Châu, PV], họ đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay. Khi đó, một cuộc chiến dữ dội để giữ đất, giữ nước đã diễn ra giữa người La Ha và người Thái.
Người La Ha đông quân đã đánh người Thái thua liền mấy trận. Thủ lĩnh của người Thái là Lạc Trượng mới nghĩ cách gả con trai mình cho con gái thủ lĩnh La Ha và xin ở rể để kết tình hòa hiếu. Kỳ thực đây là âm mưu để sát hại thủ lĩnh Im Poi.
Sau khi Im Poi bị con trai Lạc Trượng giết chết, người Thái đánh đuổi người La Ha chạy dài, buộc phải du canh du cư tìm đất tốt ở thượng nguồn sông Nậm Mu.
“Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ ‘trâu trắng’ để tế thần Im Poi - một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI.”, thầy mo cho biết.
Ngày nay, trên cánh đồng Mường Than (một trong bốn cánh đồng lớn nhất của Tây Bắc) bây giờ vẫn còn bản Nà Sả, theo tiếng Thái nghĩa là cánh đồng của người La Ha…
“Tên gọi này, chứng tỏ tên gọi người La Ha phải có từ lâu lắm, nhưng chưa rõ là từ bao giờ,” mo Păn nói.
Ngừng lại một lát sau pho sử bi hùng, vị thầy mo già thở hắt ra một tiếng. Mo bảo, điều day dứt nhất là một dân tộc kiêu hùng đến thế, sau cùng lại phải chịu cảnh “mất tên” trên chính mảnh đất của mình. Họ lưu lạc, phân tán thành những nhóm nhỏ để rồi nhập thành một bộ phận dân cư mà người Thái gọi chung là Khơ Mú.
Đi tìm tên mình
Sau câu chuyện với vị thầy mo cuối cùng của người La Ha, chúng tôi quay lại bản Phiêng Giường để tìm hiểu rõ hơn tên gọi Khơ Mú cũng như sự biến thiên về tên gọi của tộc người có quá khứ bi hùng này.
Ngày trước tên gọi của người La Ha là Xá, được hiểu theo nghĩa là lán, lều gắn liền với thời du canh du cư là: “Xá vàng lá.”
Theo giải thích của người dân địa phương, mỗi lần du cư, dân bản lại lợp trên mái nhà của mình lớp lá xanh, tới khi lá vàng thì cũng là lúc là mùa thu hoạch. Lúc đó, cả bản lại du canh tới cánh rừng mới để đốt nương làm rẫy. Vậy nên có tên gọi là Xá vàng lá.
Nhóm dân tộc này do nếp sống di cư nên thường xuyên sống ở đầu nguồn các dòng sông lớn. Người Thái bản địa không chấp nhận được chuyện nguồn nước thiêng liêng của mình bị vấy bẩn, họ tìm cách xua người Xá và những dân tộc khác sống đầu nguồn nước đi xa và “độc miệng” định danh cho cả cộng đồng ấy cái danh Khơ Mú, nghĩa là hôi thối.
Trải qua thời gian, Khơ Mú trở thành tên gọi chung cho một nhóm người ở miền Tây Bắc.
Ông Chảo Văn Diết, một trong những cán bộ đầu tiên có công thuyết phục người La Ha định cư tại Tà Mít cho biết: “Trước đây, trong sổ hộ khẩu của người La Ha vẫn có hai tên là La Ha và Xá. Nhưng hiện nay, vào bất cứ bản nào của người La Ha, sổ hộ khẩu hay bất kì giấy tờ nào có tính pháp lý thì đều ghi là người Khơ Mú.”
Hộ khẩu của nhà nguyên trưởng bản Sài Lương, ông Hoàng Văn Bun (đã qua đời năm ngoái) cũng ghi trong hộ khẩu nhà mình là người Khơ Mú. Cả bản Sài Lương có 72 hộ, 360 khẩu thì tất cả đều ghi là người Khơ Mú.
Công an xã Tà Mít bắt đầu làm lại sổ hộ khẩu cho người dân xã Tà Mít vào năm 2006 nhưng tới nay vẫn chưa xong, vì công việc được giao cho trưởng bản vận động bà con đến trung tâm xã làm lại sổ hộ khẩu gia đình.
Thế nên mới có chuyện, có khi một gia đình có hai quyển sổ hộ khẩu mang tên hai dân tộc khác nhau là Khơ Mú và La Ha.
Một điều may mắn cho chúng tôi khi tìm hiểu về tên gọi tộc người này là vị đương kim Bí thư Đảng ủy xã Tà Mít là Hoàng Văn Báo cũng là người La Ha.
Theo ông Báo, điểm khác biệt lớn nhất khiến dân tộc mình kiên quyết không nhận tên Khơ Mú là do họ có một hệ ngữ rất riêng biệt. Khi họ nói, cộng đồng người Khơ Mú của các bản, xã xung quanh không hiểu được.
Điều đáng tiếc là mặc dù tiếng La Ha vẫn tồn tại trong cộng đồng của họ nhưng chỉ có số ít người già có thể hát bằng tiếng dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị Tớm, gần 70 tuổi, bản Pắc Muôn cho biết: “Trong bản Pắc Muôn không phải người già nào cũng còn hát được bằng tiếng và giọng hát trước kia của người La Ha, chỉ còn 3 người là ông Ín, ông Tèn và tôi biết thôi. Còn lớp trẻ thì đã quên cách hát hoặc không đủ từ để hát tiếng La Ha nữa, mà chỉ biết hát đối các bài hát tiếng Thái.” Điều này đã khiến ca múa nhạc truyền thống của người La Ha dần bị mai một.
Về việc tên gọi của tộc người này, ông Phạm Đức Minh, Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên, cho hay đã có công văn gửi tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ về tên gọi của tộc người lâu nay vẫn được gọi là Khơ Mú ở vùng đất này. Nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Cũng có nhiều đoàn nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian đến Tà Mít để xác minh tên gọi La Ha hay Khơ Mú, “nhưng huyện Tân Uyên vẫn chưa nhận được sự hồi âm nào,” ông Minh cho biết thêm.
Kế hoạch di dân của Tà Mít chỉ còn tính bằng ngày và khu tái định cư sắp thành hiện thực, đến khi ấy, số người La Ha ít ỏi này sẽ còn bị chia nhỏ nữa. Việc định danh dân tộc La Ha vốn đã khó lại càng khó hơn. Và có thể, nếu chính quyền không can thiệp kịp thời thì tên gọi của về tộc người cô đơn tột cùng bên trời Tây Bắc sẽ mãi câm lặng như bản làng Tà Mít kia chìm trong giấc ngủ vĩnh viễn dưới lòng hồ./.
Những người già trong suốt hành trình chúng tôi đi đều tự nhận mình là con cháu của thủ lĩnh Im Poi-Thủ lĩnh của người La Ha gần một nghìn năm trước. Thế nhưng, từ rất lâu, người La Ha vẫn chỉ “được” chính quyền xã, huyện và cả tỉnh Lai Châu gọi là Khơ Mú. Bí ẩn về tên gọi của tộc người này đến nay vẫn chưa được sáng rõ.
Tộc người kiêu hùng bên trời Tây Bắc
Mất cả một buổi chiều lặn lội từ bản trung tâm Phiêng Giềng, ngược nguồn sông Nậm Mu, chúng tôi mới tới bản Sài Lương để tìm thầy mo cuối cùng của tộc người có số phận lạ kỳ nhất, Hoàng Văn Păn.
Ông Păn là người từng nắm giữ bộ lịch xương sườn trâu, bộ lịch được xem như “gia phả” của người La Ha. Đây là cơ sở để phân biệt tộc người này với các tộc người khác sống ở vùng Tây Bắc.
Nhưng phải chờ đợi trong thấp thỏm suốt 3 tiếng đồng hồ thì vị “pháp sư” Hoàng Văn Păn mới xuất hiện. Dáng người cao bệ vệ, khuôn mặt khắc khổ, bàn tay đen sạm nhưng rắn chắc, hai vai nhô cao quá khổ, cả người ông như con hổ của núi rừng.
Thời gian chúng tôi chờ đợi cũng đủ để chiều chuyển sang đêm. Màn đêm lừng lững bủa vây, núi đồi xám xịt, chỉ có ngọn lửa phập phồng cháy giữa nhà sàn của vị thầy mo là đủ tỏ mặt người.
Khi được hỏi về gốc tích của người La Ha, ông già Păn ngồi thừ người một lúc lâu. Vẻ mặt của vị thầy mo sắp bước sang tuổi 80 này càng hiện rõ vẻ khắc khổ trong ánh lửa.
Nhấp một ngụm rượu, thầy mo nói: Người La Ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc từ thế kỷ XI. La Ha là tộc người đầu tiên xuất hiện trên cánh đồng Mường Than.
Theo những người già kể lại thì khi người Thái Ðen thiên di tới vùng Mường Than [cánh đồng Mường Than, thuộc hai huyện Tân Uyên và Than Uyên – Lai Châu, PV], họ đã gặp tổ tiên của người La Ha hiện nay. Khi đó, một cuộc chiến dữ dội để giữ đất, giữ nước đã diễn ra giữa người La Ha và người Thái.
Người La Ha đông quân đã đánh người Thái thua liền mấy trận. Thủ lĩnh của người Thái là Lạc Trượng mới nghĩ cách gả con trai mình cho con gái thủ lĩnh La Ha và xin ở rể để kết tình hòa hiếu. Kỳ thực đây là âm mưu để sát hại thủ lĩnh Im Poi.
Sau khi Im Poi bị con trai Lạc Trượng giết chết, người Thái đánh đuổi người La Ha chạy dài, buộc phải du canh du cư tìm đất tốt ở thượng nguồn sông Nậm Mu.
“Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ ‘trâu trắng’ để tế thần Im Poi - một thủ lĩnh nổi tiếng của người La Ha vào đầu thế kỷ XI.”, thầy mo cho biết.
Ngày nay, trên cánh đồng Mường Than (một trong bốn cánh đồng lớn nhất của Tây Bắc) bây giờ vẫn còn bản Nà Sả, theo tiếng Thái nghĩa là cánh đồng của người La Ha…
“Tên gọi này, chứng tỏ tên gọi người La Ha phải có từ lâu lắm, nhưng chưa rõ là từ bao giờ,” mo Păn nói.
Ngừng lại một lát sau pho sử bi hùng, vị thầy mo già thở hắt ra một tiếng. Mo bảo, điều day dứt nhất là một dân tộc kiêu hùng đến thế, sau cùng lại phải chịu cảnh “mất tên” trên chính mảnh đất của mình. Họ lưu lạc, phân tán thành những nhóm nhỏ để rồi nhập thành một bộ phận dân cư mà người Thái gọi chung là Khơ Mú.
Đi tìm tên mình
Sau câu chuyện với vị thầy mo cuối cùng của người La Ha, chúng tôi quay lại bản Phiêng Giường để tìm hiểu rõ hơn tên gọi Khơ Mú cũng như sự biến thiên về tên gọi của tộc người có quá khứ bi hùng này.
Ngày trước tên gọi của người La Ha là Xá, được hiểu theo nghĩa là lán, lều gắn liền với thời du canh du cư là: “Xá vàng lá.”
Theo giải thích của người dân địa phương, mỗi lần du cư, dân bản lại lợp trên mái nhà của mình lớp lá xanh, tới khi lá vàng thì cũng là lúc là mùa thu hoạch. Lúc đó, cả bản lại du canh tới cánh rừng mới để đốt nương làm rẫy. Vậy nên có tên gọi là Xá vàng lá.
Nhóm dân tộc này do nếp sống di cư nên thường xuyên sống ở đầu nguồn các dòng sông lớn. Người Thái bản địa không chấp nhận được chuyện nguồn nước thiêng liêng của mình bị vấy bẩn, họ tìm cách xua người Xá và những dân tộc khác sống đầu nguồn nước đi xa và “độc miệng” định danh cho cả cộng đồng ấy cái danh Khơ Mú, nghĩa là hôi thối.
Trải qua thời gian, Khơ Mú trở thành tên gọi chung cho một nhóm người ở miền Tây Bắc.
Ông Chảo Văn Diết, một trong những cán bộ đầu tiên có công thuyết phục người La Ha định cư tại Tà Mít cho biết: “Trước đây, trong sổ hộ khẩu của người La Ha vẫn có hai tên là La Ha và Xá. Nhưng hiện nay, vào bất cứ bản nào của người La Ha, sổ hộ khẩu hay bất kì giấy tờ nào có tính pháp lý thì đều ghi là người Khơ Mú.”
Hộ khẩu của nhà nguyên trưởng bản Sài Lương, ông Hoàng Văn Bun (đã qua đời năm ngoái) cũng ghi trong hộ khẩu nhà mình là người Khơ Mú. Cả bản Sài Lương có 72 hộ, 360 khẩu thì tất cả đều ghi là người Khơ Mú.
Công an xã Tà Mít bắt đầu làm lại sổ hộ khẩu cho người dân xã Tà Mít vào năm 2006 nhưng tới nay vẫn chưa xong, vì công việc được giao cho trưởng bản vận động bà con đến trung tâm xã làm lại sổ hộ khẩu gia đình.
Thế nên mới có chuyện, có khi một gia đình có hai quyển sổ hộ khẩu mang tên hai dân tộc khác nhau là Khơ Mú và La Ha.
Một điều may mắn cho chúng tôi khi tìm hiểu về tên gọi tộc người này là vị đương kim Bí thư Đảng ủy xã Tà Mít là Hoàng Văn Báo cũng là người La Ha.
Theo ông Báo, điểm khác biệt lớn nhất khiến dân tộc mình kiên quyết không nhận tên Khơ Mú là do họ có một hệ ngữ rất riêng biệt. Khi họ nói, cộng đồng người Khơ Mú của các bản, xã xung quanh không hiểu được.
Điều đáng tiếc là mặc dù tiếng La Ha vẫn tồn tại trong cộng đồng của họ nhưng chỉ có số ít người già có thể hát bằng tiếng dân tộc mình.
Bà Hoàng Thị Tớm, gần 70 tuổi, bản Pắc Muôn cho biết: “Trong bản Pắc Muôn không phải người già nào cũng còn hát được bằng tiếng và giọng hát trước kia của người La Ha, chỉ còn 3 người là ông Ín, ông Tèn và tôi biết thôi. Còn lớp trẻ thì đã quên cách hát hoặc không đủ từ để hát tiếng La Ha nữa, mà chỉ biết hát đối các bài hát tiếng Thái.” Điều này đã khiến ca múa nhạc truyền thống của người La Ha dần bị mai một.
Về việc tên gọi của tộc người này, ông Phạm Đức Minh, Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên, cho hay đã có công văn gửi tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ về tên gọi của tộc người lâu nay vẫn được gọi là Khơ Mú ở vùng đất này. Nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời.
Cũng có nhiều đoàn nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian đến Tà Mít để xác minh tên gọi La Ha hay Khơ Mú, “nhưng huyện Tân Uyên vẫn chưa nhận được sự hồi âm nào,” ông Minh cho biết thêm.
Kế hoạch di dân của Tà Mít chỉ còn tính bằng ngày và khu tái định cư sắp thành hiện thực, đến khi ấy, số người La Ha ít ỏi này sẽ còn bị chia nhỏ nữa. Việc định danh dân tộc La Ha vốn đã khó lại càng khó hơn. Và có thể, nếu chính quyền không can thiệp kịp thời thì tên gọi của về tộc người cô đơn tột cùng bên trời Tây Bắc sẽ mãi câm lặng như bản làng Tà Mít kia chìm trong giấc ngủ vĩnh viễn dưới lòng hồ./.
Thông Chí-Sơn Bách (Vietnam+)