Tội phạm thích tên miền VN

Tội phạm công nghệ thích các tên miền Việt Nam

Một nghiên cứu mới về an ninh mạng của McAfee, các tên miền của Việt Nam đang trở thành miếng mồi béo bở cho tội phạm công nghệ.
Một nghiên cứu mới về an ninh mạng của McAfee, công ty chuyên cung cấp các giải pháp bảo vệ an ninh mạng toàn cầu, cho rằng các tên miền của Việt Nam đang trở thành miếng mồi béo bở cho tội phạm công nghệ.

Theo khảo sát của McAfee về tình hình tội phạm toàn cầu trên mạng Internet, khoảng 58% các trang mạng dùng đuôi .vn có chứa các đoạn mã xâm nhập.

Khi truy cập các trang nguy hiểm đó, người ta có nguy cơ bị ăn cắp các thông tin nhạy cảm. Tổng cộng, có 6,2% trong tổng số 27 triệu trang mạng được đánh giá là có nguy cơ cao, nhiều hơn tỷ lệ 5,9% ghi nhận hồi năm 2009.

Các trang được đánh giá là có nguy cơ cao có thể chứa một số các phần mềm đột nhập, khai thác các lỗi lập trình để cài đoạn mã tấn công vào máy tính của người truy cập. Các trang khác có thể làm giả nhãn hiệu dược phẩm hay lưu giữ các hồ sơ nhiễm virus máy tính.

Khảo sát ghi nhận Việt Nam mới trở thành "điểm đến hấp dẫn" cho tội phạm công nghệ cao vào năm nay, vì năm 2009 các tên miền của Việt Nam chỉ đứng thứ 39 trên bảng xếp hạng nguy cơ toàn cầu. Năm nay, các tên miền của Việt Nam xếp thứ 3 trong bảng khảo sát của McAfee.

Giải thích tiến trình gia tăng trong các hoạt động đột nhập, Giám đốc nghiên cứu an ninh mạng của McAfee Labs, bà Paula Greve nói: "Tội phạm mạng nhắm vào các vùng mà chi phí đăng ký trang mạng rẻ và tiện nghi, cũng như ít nguy cơ bị phát hiện. Một tên miền an toàn trong năm nay có thể trở thành nguy hiểm trong năm sau."

Theo khảo sát, nhiều trang có tên miền .vn được dùng như địa chỉ để chuyển sang các trang hoạt động đột nhập hoặc mạng lưới bị các hệ thống điều khiển tự động chuyên đột nhập máy tính kiểm soát.

Trong số các tên miền chung, đuôi .info bắt đầu phổ biến vào năm 2010 với số lượng các trang mạng nguy hiểm tăng thêm 94,5%. Các băng nhóm phát tán tin nhắn quấy nhiễu dùng quyền của tên miền .info để tạo uy tín cho các trang chuyên bán dược phẩm giả mạo hay các phần mềm an ninh giả.

Các trang mạng nhiều nguy cơ nằm trong nhóm tên miền .com lên đến con số một triệu trong năm 2010 với nhiều trang liên tục tổ chức các cuộc tấn công đột nhập. Ví dụ mà McAfee đưa ra có các trang mạng tham gia vụ phát tán virus Koobface, nhắm vào người sử dụng Windows nào vốn thường truy cập vào các trang mạng xã hội như Facebook, MySpace và Twitter./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục