Tôn vinh nỗ lực kiến tạo hòa bình của Chính phủ Colombia và FARC

Năm 2016 được coi là năm thành công với Chính phủ Colombia và FARC khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, đánh dấu việc chấm dứt 52 năm nội chiến ở nước này.
Tôn vinh nỗ lực kiến tạo hòa bình của Chính phủ Colombia và FARC ảnh 1Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và thủ lĩnh tối cao FARC Timoleon Jimenez. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đối với Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), năm 2016 quả là một năm thành công sau nhiều nỗ lực bền bỉ, đôi lúc tưởng chừng như đã đổ vỡ, cuối cùng thỏa thuận hòa bình cũng đã được ký kết, đánh dấu việc chấm dứt 52 nội chiến đẫm máu ở quốc gia Nam Mỹ này.

Quyết tâm khép lại nội chiến

Việc Tổng thống Juan Manuel Santos ký kết thỏa thuận hòa bình sửa đổi với thủ lĩnh tối cao FARC Rodrigo Londono thay thế cho thỏa thuận lần thứ nhất, bị các cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở Colombia, mặc dù chặng đường thực thi văn bản này còn đầy rẫy những thách thức.

Để hiểu được những khó khăn của cuộc nội chiến liên miên trong suốt gần 6 thập kỷ qua, cũng là cuộc chiến kéo dài nhất khu vực Mỹ Latinh tới thời điểm này, cần nhìn lại những nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột, trong đó chủ yếu là do tình trạng xã hội bất công và khả năng kiểm soát hạn chế của chính phủ tại một quốc gia có địa hình vô cùng phức tạp.

FARC ra đời vào năm 1964 từ phong trào nổi dậy của những người nông dân nghèo chống chính phủ đòi chia lại ruộng đất. Trong quá trình phát triển, lực lượng này đã trở thành nhóm vũ trang hoạt động mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, cuộc xung đột vũ trang tại Colombia cũng vô cùng phức tạp bởi không chỉ có sự tham gia của các lực lượng vũ trang chống chính phủ mà còn có thêm các nhóm vũ trang bán quân sự cực hữu hoạt động bất hợp pháp, phát triển rất mạnh trong những năm 80 nhờ vào hoạt động buôn bán ma túy trái phép.

Đây cũng là một trong những yếu tố cản trở việc thiết lập một nền hòa bình dài lâu ở Colombia. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Colombia, cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở quốc gia Nam Mỹ này không đạt được nhiều kết quả như mong đợi. Hiện Colombia vẫn là một trong những quốc gia sản xuất cocaine nhiều nhất thế giới.

FARC từng 3 lần nỗ lực đối thoại hòa bình với Chính phủ Colombia với mục đích giã từ vũ khí, thiết lập hòa bình và tham gia vào đời sống chính trị một cách hợp pháp, nhưng đều thất bại. Lần đối thoại kéo dài gần 4 năm qua với Chính phủ của Tổng thống Santos, với sự trung gian của Cuba, là lần thứ 4.

Tới thời điểm hiện tại, mọi nỗ lực hòa đàm và khát vọng hòa bình của các bên đã được đền đáp. Quốc hội Colombia cũng đã thông qua thỏa thuận hòa bình sửa đổi, sau đó Tòa án Tối cao đã cho phép cơ quan lập pháp được quyền thông qua tắt các điều khoản đã được thương thảo giữa Chính phủ và FARC, qua đó tránh sự chậm trễ trong triển khai thỏa thuận có thể gây nguy hiểm cho việc giải giáp vũ khí. Với cơ chế này, các thủ tục pháp lý có thể rút ngắn đi một nửa thời gian và sẽ được thông qua trong vòng 6 tháng, thay vì 1 năm.

Cộng đồng quốc tế đã luôn đồng hành cùng những nỗ lực hòa giải giữa Chính phủ Colombia và FARC. Chỉ ít ngày sau khi thỏa thuận hòa bình sửa đổi được ký kết, giải thưởng Nobel Hòa bình đã được trao cho Tổng thống Santos.

Giải thưởng là sự thừa nhận, đồng thời cũng minh chứng cho sự ủng hộ của quốc tế đối với nền hòa bình của Colombia. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua khoản tín dụng trị giá 600 triệu USD, giúp Bogota trong quá trình tái thiết đất nước.

Thách thức phía trước

Tuy nhiên, con đường phía trước còn đầy rẫy những chông gai. Trước tiên cần phải nói rằng đây là một thỏa thuận sửa đổi. Chỉ riêng điều đó đã nói lên những tranh cãi trong quá trình đi đến ký kết văn bản này.

Ngay tại lễ ký kết thỏa thuận lần thứ nhất, trong lúc thủ lĩnh FARC Londoño đang phát biểu, một máy bay quân sự của quân đội Colombia đã xé tan không khí trang nghiêm của buổi lễ. Nhiều người có mặt đã thực sự hốt hoảng bởi lo sợ bị đánh bom, điều không xa lạ ở một quốc gia với 60 năm nội chiến.

Tiếp sau đó là thất bại của thỏa thuận hòa bình trong cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ phiếu rất sít sao và sức ép từ phe đối lập của cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người có quan hệ mật thiết các nhóm vũ trang bán quân sự cực hữu hành hoành mạnh mẽ tại nước này. Chính Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) cũng như chính các đại sứ Mỹ từng điều trần trước Quốc hội về việc không nên bán vũ khí cho ông Uribe, bởi lo ngại nguồn vũ khí sẽ vào tay các tổ chức tội phạm nguy hiểm này.

Tiến trình thực hiện thoả thuận cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như việc một số thành viên của FARC sẽ bị đưa ra xét xử và có thể bị bắt giam vì tội chống lại loài người. Bên cạnh đó, việc các tay súng FARC giải giáp vũ khí sẽ bị đối diện với nguy cơ bị các nhóm bán vũ trang quân sự cực hữu truy đuổi và trả thù.

Chỉ ít ngày sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, hàng loạt vụ sát hại các thủ lĩnh nông dân đã xảy ra, trong khi thành viên các tổ chức nhân quyền và công đoàn cũng liên tục bị đe dọa tính mạng.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Chính phủ có đảm bảo an toàn cho các thành viên của FARC trước sự đe dọa của các băng nhóm tội phạm hoạt động bất hợp pháp này hay không.

Một khó khăn nữa cũng đe dọa tương lai nền hòa bình Colombia đó là việc Chính phủ của Tổng thống Santos đang ở trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Dự kiến cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối tháng 5/2018.Trong trường hợp phe đối lập của cựu Tổng thống Uribe, người đi đầu trong phong trào phản đối thỏa thuận hòa bình, giành thắng lợi, chắc chắn văn bản nói trên sẽ bị xem xét lại và khó có thể thực thi.

Có thể thấy rằng dù thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và FARC đã đạt được, nhưng trong lòng xã hội Colombia vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn như bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, tội phạm vũ trang bán quân sự, tội phạm ma túy và bạo lực, luôn rình rập và có thể gây bùng nổ vào bất cứ thời điểm nào.

Nhiều nỗ lực nữa vẫn cần được triển khai để trong tương lai, người dân Colombia thực sự được hưởng một nền hòa bình bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục