Trong hai ngày (13-14/4), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, kiểm tra tình hình triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng trên địa bàn.
Cùng đi với Tổng Bí thư có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; cùng nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Chiều 14/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết năm 2015, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây; GDP bình quân đầu người đạt gần 4.000 USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ lên 43,4%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 35.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, chiếm 57,5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Lượng khách du lịch đạt trên 7,7 triệu lượt khách; doanh thu du lịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực. Niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đứng thứ ba cả nước và đứng đầu khu vực miền Bắc.
Cùng với phát triển kinh tế, an sinh xã hội được đảm bảo, d iện mạo thành thị và nông thôn thay đổi tích cực, đời sống tinh thần và vật chất được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đến nay chỉ còn 1,33%. Tập trung chỉ đạo, huy động toàn xã hội chung sức xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 82 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới, có 6/10 huyện cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới...
Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, cũng như hạn chế, thách thức, Quảng Ninh xác định rõ mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế...
Tỉnh quy hoạch lại không gian phát triển, thống nhất quan điểm phát triển con người, đảm bảo và cải thiện dân sinh làm mục đích, xác định rõ các giải pháp phát triển cơ bản và dài hạn, lựa chọn các giải pháp, tập trung xây dựng những mô hình phát triển đột phá, triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng lấy người dân làm chủ thể và là động lực, gắn với Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm mang đặc trưng của Quảng Ninh...
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã Xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” từ đó ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 3/3/2015 nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn diễn ra; đồng thời phê duyệt quyết định cho 14 đảng bộ cấp huyện, 15 ban xây dựng đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, 26 sở, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp để tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, có những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng thiếu quy định pháp lý; nhiều quy định, quy chế ban hành chưa theo kịp yêu cầu phát triển, không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được đổi mới, thay thế... Quảng Ninh đã nêu 7 kiến nghị, đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị liên quan đến Đề án Đặc khu kinh tế Vân Đồn; Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân ở các xã, phường, thị trấn loại II, loại III; nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định về tiêu chí “chuẩn” quốc gia (như về y tế, giáo dục, nông nghiệp - nông thôn...) theo hướng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; quyết liệt hơn nữa về đổi mới cải cách hành chính; thể chế hóa nội dung tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật... chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình...
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận ghi nhận thời gian qua Quảng Ninh đã có bước phát triển nhanh, mạnh, toàn diện cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh và đối ngoại, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Nhân dân Quảng Ninh nói chung và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của tỉnh rất năng động sáng tạo, luôn suy nghĩ, tìm tòi, có nhiều ý tưởng mới, chủ động đề xuất nhiều chương trình, đề án cụ thể...
Tin tưởng vào triển vọng của tỉnh, Tổng Bí thư chỉ rõ với cơ ngơi, thành tựu, kinh nghiệm đã có, Quảng Ninh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thật tốt các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Liên quan đến Đề án của tỉnh về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, Tổng Bí thư chỉ rõ đây là vấn đề lớn, chủ trương của Trung ương là nhất quán và đã có từ lâu. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng không chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình, mà nhấn mạnh chủ trương tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị từ cơ sở, tăng cường kiêm nhiệm một số chức danh trong hệ thống chính trị, theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: “Tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao”; đồng thời xác định: “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.”
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chủ trương đã có, đã rõ, nhưng thực hiện sao cho đúng, cho hiệu quả, không chủ quan được... Làm thế nào để "nhốt" quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được. Đúng hướng, đúng chủ trương, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, không phát sinh tiêu cực, không để xảy ra hệ quả không mong muốn. Bởi vậy, bước đi phải chặt chẽ, bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm."
Tổng Bí thư ghi nhận các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đề nghị các bộ, ngành hữu quan cùng vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, cần chủ động quyết liệt hơn nữa, phải xác định, lựa chọn những công việc, đề án cần ưu tiên để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, khảo sát một số mô hình mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện trong thực tiễn; thăm Trạm y tế phường Quảng Yên - mô hình tập trung thực hiện chức năng y tế dự phòng, tiết kiệm nhân lực, đồng thời tăng cường năng lực hoạt động phòng chống dịch bệnh, y tế trường học, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm...
Tổng Bí thư cũng đã đến thăm Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thị xã Quảng Yên - một mô hình đang chuyển đổi mạnh từ quản lý sang cung ứng dịch vụ và hướng tới kinh doanh, trên cơ sở tiếp nhận Trạm thú y, Trạm bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáp nhập với Trạm khuyến nông thuộc Ủy ban Nhân dân thị xã; thăm cầu Sông Chanh và mô hình đê xung yếu ngăn mặn đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên.
Nhân kỷ niệm 728 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thắp hương, trồng cây lưu niệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt - di tích lịch sử Bạch Đằng, tại thị xã Quảng Yên.
Trước đó, chiều 13/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; thăm Trung tâm phục vụ hành chính công thành phố Uông Bí tại Trụ sở Thành ủy Uông Bí; thăm phường Nam Khê, thành phố Uông Bí - đơn vị thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch phường./.