Tổng thống Brazil đã trình đề xuất trưng cầu ý dân

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 2/7 đã trình Quốc hội nước này đề xuất triệu tập trưng cầu ý dân về cải cách chính trị.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 2/7 đã trình Quốc hội nước này đề xuất triệu tập trưng cầu ý dân về cải cách chính trị nhằm đáp ứng đòi hỏi của quần chúng trong các cuộc biểu tình mới đây.

Trong văn bản đề xuất, bà Rousseff nêu bật sự cần thiết mở rộng dân chủ trực tiếp tại quốc gia đông dân nhất Mỹ Latinh này. Nếu đề xuất được thông qua, bà muốn người dân được cho ý kiến về năm điểm là cách thức tài trợ các chiến dịch tranh cử, hệ thống bầu cử, bãi bỏ chế độ nghị sỹ dự khuyết, quy định về liên minh đảng phái khi tranh cử, và chấm dứt bỏ phiếu bí mật tại Quốc hội.

Bà Rousseff muốn cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức trước tháng 10 để những cải cách được áp dụng tại cuộc tổng tuyển cử tháng 10 năm tới.

[Brazil: Sẽ đề nghị trưng cầu ý dân cải cách chính trị]

Văn bản được Phó tổng thống Michel Temer và Bộ trưởng tư pháp José Eduardo Cardozo nộp Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiro và Chủ tịch Hạ viện Henrique Eduardo Alves. Các nhà lãnh đạo Quốc hội đều cho biết ủng hộ tổ chức trưng cầu ý dân.

Theo Hiến pháp Brazil, chỉ Quốc hội có quyền triệu tập cũng như xác định cách thức và nội dung trưng cầu ý dân.

Cải cách chính trị là một trong những đòi hỏi được đưa ra tại các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra tại quốc gia Nam Mỹ này từ hồi đầu tháng trước, đầu tiên là để phản đối việc tăng giá vé xe buýt và tầu điện ngầm, và sau đó là đòi cải thiện chất lượng giáo dục, y tế, và phản đối tham nhũng và việc tiêu tốn ngân sách để tổ chức Cúp bóng đá Liên đoàn và Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2014, vì cho rằng các khoản đầu tư này ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Việc đề xuất trưng cầu ý dân về cải cách chính trị được bà Rousseff thông báo trong tuần trước và nó đã làm “hạ nhiệt” làn sóng biểu tình.

Theo kết quả một cuộc điều tra dư luận do hãng Datafolha công bố, đề xuất trưng cầu ý dân được 68% những người được hỏi ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, điều này không phải là sự bảo đảm để nó được sớm thông qua như mong muốn của Chính phủ, do thời gian gấp gáp và một phần là do sự phản đối của phe đối lập.

Bản thân nhiều nghị sỹ cũng không muốn cải cách chính trị vì nó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân của họ. Đây là lý do từ gần 15 năm qua các cuộc thảo luận tại Quốc hội về cải cách chính trị không đạt được bất kỳ tiến triển nào./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục