Tổng thống Chavez: Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể

Dám đương đầu với Mỹ, tin tưởng và đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn... là những yếu tố khiến Hugo Chavez được đa số nhân dân ngưỡng mộ.
Dám đương đầu với Mỹ, tin tưởng và đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn, bảo vệ lợi ích của người nghèo, nỗ lực đưa đất nước ra khỏi tình trạng lạc hậu... là những yếu tố cho phép cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez có sức lôi cuốn, được đa số nhân dân ngưỡng mộ nhưng cũng bị tầng lớp giàu có bị ảnh hưởng bởi chính sách mà ông đưa ra thù ghét. Có thể nói, cố Tổng thống Chavez là “quán quân” tại hòm phiếu, bởi trong 14 năm gần đây, tại Venezuela đã có 17 cuộc bầu cử hoặc trưng cầu ý dân, trong đó nhà lãnh đạo này 16 lần giành chiến thắng. Sở dĩ có được điều này là do sau khi lên cầm quyền, ông quan tâm tới nguyện vọng của những người nghèo trước đây bị loại ra bên lề xã hội, và đem lại cho họ quyền lợi chính trị, xã hội, kinh tế và dân sự. Cam kết tranh cử đầu tiên được ông Chavez thực hiện sau khi trúng cử năm 1998 là tiến hành trưng cầu ý dân để cải tổ bản hiến pháp năm 1961 mà ông cho là “đang hấp hối” để nền Cộng hòa mới có một hiến pháp mới, phù hợp với thời đại mới, trong đó quyền công dân đã được mở rộng đáng kể và nền dân chủ đại diện được chuyển sang nền dân chủ trực tiếp. Trong diễn văn nhậm chức tổng thống lần đầu tiên ngày 2/2/1999, ông Chavez tuyên bố với thế giới rằng Venezuela trong tình trạng “khẩn cấp xã hội”, và để giải quyết nó, trong 14 năm cầm quyền chính phủ của ông đã đầu tư hơn 550 tỷ USD cho các chương trình xã hội, chiếm 63% ngân sách quốc gia. Sứ mệnh Bolivar Đầu tư cho phúc lợi xã hội được ông Chavez thực hiện thông qua các chương trình có tên “Misiones Bolivarianas” (các sứ mệnh Bolivar) nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, hậu quả của chính sách tự do mới do các chính phủ trước đây tại Venezuela áp dụng. Mỗi năm nhà lãnh đạo này đều phát động hoặc tái phát động các chương trình này. Kể từ năm 2003, đã có trên 30 chương trình được triển khai trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lương thực, nhà ở, tạo việc làm, văn hóa, khoa học, thể thao. Có điều là khác với các chính phủ trước đó, nguồn tài chính dồi dào có được từ xuất khẩu dầu mỏ không rơi vào tay các tập đoàn tư nhân xuyên quốc gia hoặc các chính trị gia tham nhũng, mà được sử dụng để tài trợ các chương trình xã hội. Kết quả của các chương trình này là dưới thời ông Chavez cầm quyền (1999-2012), tỷ lệ hộ nghèo ở Venezuela giảm một nửa, còn 24%, còn tỷ lệ người sống trong cảnh cùng cực giảm mạnh hơn, xuống còn 6%.

[Những mốc sự kiện đáng nhớ của ông Hugo Chavez]

Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) ghi nhận Venezuela là nước đi đầu trong nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu ăn. Trên thế giới có 800 triệu người đói ăn, trong đó có 49 triệu người sống tại Mỹ Latinh và Caribe, thế nhưng không có một ai tại Venezuela, vì hơn 16,5 triệu người dân nước này (gần 60% dân số) mua lương thực được trợ giá. Trước khi ông Chavez lên cầm quyền, 21% người dân Venezuela bị suy dinh dưỡng nhưng hiện chỉ còn 5%, nhờ hệ thống phân phối lương thực và thực phẩm được trợ giá như đã kể trên, và ngoài ra chính phủ còn cung cấp ăn miễn phí cho 5 triệu người, trong đó có 4 triệu học sinh được ăn tại trường. Thống kê cho thấy 94,6% người dân Venezuela ăn tối thiểu là 3 bữa mỗi ngày, trong đó tỷ lệ trong nhóm người có thu nhập thấp nhất cũng là 93,7%. Con số này phần nào phản ánh được sự công bằng trong phân phối thu nhập tại Venezuela, quốc gia có chỉ số Gini (đo mức chênh lệch trong thu nhập) thấp bậc nhất tại Mỹ Latinh.
Tổng thống Chavez: Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể ảnh 1
Tổng thống Hugo Chavez (trái) bên Lãnh tụ Cuba Fidel Castro đang phục hồi sức khỏe sau ca phẫu thuật tại bệnh viện ở Havana (Cuba) ngày 13/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Dưới thời Tổng thống Chavez, tỷ lệ thất nghiệp tại Venezuela giảm từ 12 % năm 1999 xuống 5,9% vào tháng 12/2012, là mức thấp nhất từ trước tới nay, nhờ gần 4 triệu việc làm mới được tạo ra trong giai đoạn trên, và mặt khác chính phủ cấm sa thải người lao động từ cách đây 11 năm. Trong khi đó, số người già được nhận trợ cấp tăng mạnh, từ 387.000 người năm 1998, lên hơn 2,4 triệu người năm 2012, với mức trợ cấp tương đương lương tối thiểu, thuộc mức cao nhất tại Mỹ Latinh. Có một điểm đáng nói là chính phủ Venezuela luôn tăng lương tối thiểu, thậm chí với mức tăng cao hơn so với tỷ lệ lạm phát. Xây dựng nhà ở cho người nghèo cũng nổi lên như là một thành tích quan trọng của các chương trình xã hội do ông Chavez thúc đẩy. Dự án này được triển khai từ năm 2005 và trong 2 năm gần đây (2011-2012) chính phủ đã giao hơn 347.000 ngôi nhà và mục tiêu của năm nay là 380.000 ngôi nhà. Trong khuôn khổ dự án này, người dân nghèo vẫn mua được nhà vì chỉ phải trả 20% giá trị ngôi nhà nhưng được trả góp trong 30 năm. Venezuela là một trong những quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giáo dục tại Mỹ Latinh và trở thành nước thứ 3 tại khu vực này xóa mù chữ. Nhà nước áp dụng chế độ giáo dục miễn phí tới cấp đại học. Mặt khác, từ năm 2006 tới 2012 chính phủ đã triển khai xây mới hoặc nâng cấp gần 1.200 trung tâm y tế, trong đó xây mới 29 bệnh viện. Năm 1998 cứ 10.000 người dân Venezuela có 18 bác sĩ, nay đã nâng lên thành 58. Venezuela là nước có nhiều cơ sở hồi sức tích cực nhất tại Nam Mỹ. Năm 2011, 67.000 bệnh nhân được nhận thuốc đắt tiền miễn phí để chữa 139 bệnh nặng như ung thư, viêm gan, loãng xương, tâm thần phân liệt. Nhờ sự quan tâm phát triển y tế của chính phủ, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm đáng kể, trong khi tuổi thọ bình quân gia tăng. Thúc đẩy mô hình liên kết mới tại Mỹ Latinh Sau nhiều năm sống trong cảnh lầm than tại đất nước có nguồn “vàng đen” lớn nhất thế giới, sau khi ông Chavez lên nắm quyền, đa số người dân Venezuela đã có một cuộc sống mới và củng cố niềm tin có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp và công bằng hơn. Không chỉ đấu tranh vì sự công bằng xã hội tại Venezuela, nhà lãnh đạo cánh tả này muốn sự công bằng này được mở rộng ra “Tổ quốc lớn” Mỹ Latinh. Người dân Mỹ Latinh coi ông Chavez không chỉ là hiện thân của những mơ ước và niềm tin của nhân dân Venezuela mà còn của cả khu vực này. Sau khi lên cầm quyền, ông Chavez thúc đẩy liên kết Mỹ Latinh trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khác hẳn với mô hình khu vực tự do thương mại toàn châu lục do Mỹ khởi xướng, và sự ra đời của Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) năm 2004 là kết quả của nỗ lực này. Hiện tại ALBA có 8 thành viên.
Tổng thống Chavez: Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể ảnh 2
Người dân Venezuela tại Caracas đau xót trước tin Tổng thống Hugo Chavez qua đời. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cũng theo sáng kiến của ông Chavez, Tổ chức liên kết năng lượng vùng Caribe (Petrocaribe) được thành lập năm 2005. Đây không chỉ là một tổ chức kinh tế mà là một sáng kiến chính trị, nhằm tạo điều kiện cho các nước trong khu vực này tiếp cận nguồn dầu mỏ phong phú của Venezuela với những điều kiện hết sức ưu đãi. Trong khuôn khổ Petrocaribe, trong trường hợp giá dầu trên thế giới tăng cao, 15 thành viên còn lại chỉ phải thanh toán cho Venezuela 50% lượng dầu mua trong vòng 90 ngày và số tiền còn lại sẽ được trả trong vòng 17-25 năm, trong đó có 1 đến 2 năm ân hạn, với lãi suất 1%/năm. Caracas chấp nhận thanh toán một phần tiền mua dầu bằng hàng hóa và dịch vụ. Vai trò của cố Tổng thống Chavez tại khu vực còn thể hiện qua đóng góp có thể nói là quyết định của ông trong việc thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur), tiếp thêm sức sống cho khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), và sự ra đời của Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Celac), được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử châu Mỹ trong 200 năm gần đây. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, nếu không có ông Chavez thì khó có thể diễn ra những gì Mỹ Latinh chứng kiến tại hội nghị thượng đỉnh Celac mới đây tại Chilê: đó là việc Cuba được nhận chức chủ tịch luân phiên Celac, tổ chức liên kết chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội tập hợp toàn bộ các nước châu Mỹ, trừ Mỹ và Canada./.
Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục