Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự “hài lòng” với kết quả của cuộc điện đàm mang tính “thực chất” diễn ra vào ngày 30/12 với người đồng cấp Mỹ Joe Biden, trong đó, mọi chủ đề chính liên quan đến quan hệ song phương đều được đề cập.
Tổng thống Putin cũng đánh giá sự kiện này đã tạo ra “bầu không khí tốt đẹp” trước khi các phiên đàm phán giữa quan chức ngoại giao hai nước bắt đầu vào tháng 1 tới trên “3 kênh.”
Ông Yury Ushakov - cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo Nga đã nói với Tổng thống Biden rằng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva sẽ là một “sai lầm lớn,” cảnh báo việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì tình hình tại Ukraine có thể dẫn đến hậu quả là cắt đứt quan hệ.
Điện Kremlin cho rằng hiện chưa rõ “hình hài” của những nhượng bộ mà hai bên có thể đạt được và nêu rõ Nga muốn có “kết quả,” đồng thời tiết lộ Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ đã một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu của Moskva về những thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý liên quan đến các đảm bảo an ninh.
Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Mỹ Biden nói với người đồng cấp Nga rằng hoạt động tăng cường quân đội của Moskva ở gần biên giới với Ukraine là “không thể chấp nhận được.”
[Tổng thống Nga-Mỹ thảo luận vấn đề Ukraine trong cuộc điện đàm mới]
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo trong cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ đồng hồ cùng ngày với người đồng cấp Nga Putin, Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo rằng Washington và các đồng minh sẽ “phản ứng cương quyết” nếu Moskva triển khai hành động tấn công đối với Ukraine.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận: “Tổng thống Biden hối thúc Nga xuống thang căng thẳng với Ukraine. Ông nói rõ rằng Mỹ, các đồng minh và đối tác, sẽ phản ứng quyết liệt nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine.”
Một quan chức khác trong Chính phủ Mỹ đánh giá cuộc điện đàm thứ hai trong vòng hơn 3 tuần qua giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Putin - nhằm mục đích “định hướng giọng điệu” cho những cuộc đàm phán trực tiếp giữa quan chức ngoại giao hai bên trong tháng 1 tới - đã diễn ra một cách “nghiêm túc và thực chất.”
Trong đó, hai nhà lãnh đạo đã nhìn nhận những nội dung có thể đạt được tiến triển trong tiến trình đàm phán sắp tới tại Geneva (Thụy Sĩ), cũng như những lĩnh vực “không thể” nhất trí.
Washington nhấn mạnh sẽ theo dõi sát sao động thái tăng cường và di chuyển lực lượng quân sự của Nga tại biên giới với Ukraine trong thời gian tới.
Đây là cuộc điện đàm thứ hai trong vòng hơn 3 tuần qua giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ, qua đó mở đường cho những nỗ lực ngoại giao tiếp theo nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình trạng leo thang căng thẳng ở sườn phía Đông châu Âu.
Trước cuộc điện đàm, cả Nga và Mỹ đều khẳng định sẽ sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự kiện thượng đỉnh này và các phiên đàm phán trực tiếp của giới chức ngoại giao hai nước ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 1 tới sẽ đạt được những nhượng bộ quan trọng.
Washington và các đồng minh châu Âu cáo buộc Nga đe dọa “xâm lược” Ukraine khi tập trung khoảng 100.000 binh sỹ gần biên giới.
Trong khi Moskva miêu tả hành động triển khai quân sự này là nhằm mục đích bảo vệ trước ý đồ mở rộng hiện diện quân sự sang phía Đông của phương Tây, nhất là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hồi đầu tháng này, Nga đã đưa ra một loạt yêu cầu, trong đó có đề nghị về sự bảo đảm bằng văn bản rằng NATO không tiếp tục mở rộng sang phía Đông, không triển khai vũ khí chiến lược tại Ukraine và chấm dứt kế hoạch mở căn cứ quân sự mới của Mỹ tại các nước thuộc Liên Xô trước đây.