Tổng Thư ký LHQ: Khó đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine

Phó Tổng thư ký LHQ Martin Griffiths tới Nga và Ukraine nhằm tìm giải pháp cho thỏa thuận ngừng bắn để sơ tán người dân ra khỏi các vùng chiến sự, nhưng nhiều khả năng thỏa thuận không đạt được.
Tổng Thư ký LHQ: Khó đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine ảnh 1Người dân tại thành phố Mariupol, Ukraine, ngày 7/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 13/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine khó khả thi và hiện Liên hợp quốc vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ phía Nga cho đề xuất nhân đạo về sơ tán người dân và vận chuyển hàng cứu trợ tới những nơi đang cần.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Guterres cho biết đã cử Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths tới Moskva và Kiev từ đầu tháng này nhằm tìm kiếm giải pháp để hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn, cho phép đưa người dân ra khỏi các vùng chiến sự như Mariupol nhưng nhiều khả năng thỏa thuận không đạt được.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhanh chóng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine.

[EU tuyên bố nỗ lực ngoại giao chấm dứt xung đột ở Ukraine]

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cảnh báo tình trạng giá cả leo thang có thể gây ra bất ổn chính trị và xã hội.

Theo Liên hợp quốc, hiện khoảng 69 nước, gần 1/3 trong số đó là các nước châu Phi, đang bị thiếu lương thực, khí đốt và cả tài chính do cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo báo cáo của của nhóm đặc nhiệm ứng phó khủng hoảng Ukraine của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Ukrane đã tác động một cách hệ thống lên toàn cầu khiến giá dầu tăng hơn 60% so với một năm trước đây, giá khí đốt tăng hơn 50% trong những tháng vừa qua, trong khi giá phân bón cũng tăng gấp đôi.

Giá cả tăng cao đã khiến tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng trên toàn cầu tăng theo, đặc biệt là trong nhóm trẻ em; lạm phát tăng, sức mua giảm, triển vọng tăng trưởng thụt lùi và tiến trình phát triển ở nhiều nơi dậm chân tại chỗ.

Điều đáng lo ngại là nhiều nước đang phát triển có nguy cơ bị nhấn chìm trong nợ nần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục