TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị

Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước về du lịch, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp-nông nghiệp kỹ thuật cao.
TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị ảnh 1Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung cũng như để đáp ứng nhu cầu và thực tiễn phát triển với vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các đồ án quy hoạch phát triển đô thị; trong đó có đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và đề án quy hoạch thành phố Thủ Đức.

Theo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 dự kiến trình Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào kỳ họp diễn ra cuối tháng 3/2021 trước khi gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có diện tích 2.095 km2 và 28,7 km2 Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng phát triển là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước về du lịch, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp-nông nghiệp kỹ thuật cao, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển.

Thành phố cũng là trung tâm văn hoá thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Đông Nam Bộ, đầu mối giao thông hạ tầng số quan trọng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, quốc gia và quốc tế.

[Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh]

Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gắn với định hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cấu trúc đô thị đa cực. Thành phố sẽ có các khu đô thị mới; trong đó, trọng tâm là thành phố Thủ Đức với mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Đáng chú ý Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ phát triển thành phố Thủ Đức trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng 4.0 của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. Hiện nay quy hoạch thành phố Thủ Đức được xem là nhiệm vụ trọng tâm của quy hoạch điều chỉnh chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn năm 2060.

Cụ thể, trên cơ sở hợp nhất quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, thành phố Thủ Đức sẽ có quy mô 21.156,9 ha. Giữ vị trí cửa ngõ phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức được định hướng phát triển thành hạt nhân sáng tạo, liên kết và hỗ trợ các đô thị trong Vùng Thành phố Hồ Chí Minh cùng phát triển.

Quy hoạch thành phố Thủ Đức nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học, khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đang hoàn thiện (Xa lộ Hà Nội, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tuyến metro số 1, đường Phạm Văn Đồng).

TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện đồ án quy hoạch phát triển đô thị ảnh 2Khu vực Cát Lái-Xa lộ Hà Nội, góp phần phát triển khu đô thị mới tại Quận 2, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Thành phố Thủ Đức giữ vai trò quan trọng và hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong vùng; thiết lập cơ chế chính sách để quản lý, thu hút đầu tư, xây dựng kế hoạch thực thi và lộ trình thực hiện các dự án tầm vĩ mô (giao thông công cộng, trung tâm sáng tạo) và các cấp độ thấp hơn (công viên khu ở, thảm cây xanh, các khu nhà ở giá rẻ).

Về quy hoạch chức năng đô thị, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 trung tâm đổi mới sáng tạo chính gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm giáo dục-đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học trình độ cao, Trung tâm công nghệ sinh thái-khu vực Tam Đa và Long Phước, Khu đô thị tương lai Trường Thọ, Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam và Khu cảng quốc tế Cát Lái.

Trong khi đó, vấn đề dân số, hiện nay dân số cư trú của thành phố Thủ Đức đạt hơn 1,013 triệu người, dự kiến đạt 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt 1,9-2,2 triệu người vào năm 2040 và đạt 3 triệu người vào năm 2060.

Cập nhật tiến độ quy hoạch thành phố Thủ Đức, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, hiện nay thành phố Thủ Đức đang đẩy nhanh việc lập quy hoạch chung để trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Để nâng cao chất lượng quy hoạch, ngoài ý kiến của các sở, ngành chuyên môn, các chuyên gia, thành phố Thủ Đức cũng sẽ tổ chức ghi nhận thêm ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục