TP.HCM giải tỏa cơn khát nguồn cung kéo dài của thị trường căn hộ

Theo báo cáo thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh, Savills Việt Nam ghi nhận số căn mới tăng 572% theo quý và 11% theo năm lên 2.528 căn, từ hai dự án mới và sáu dự án của giai đoạn tiếp theo.
TP.HCM giải tỏa cơn khát nguồn cung kéo dài của thị trường căn hộ ảnh 1Các tòa chung cư tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo báo cáo thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh quý 3 do Savills Việt Nam vừa công bố, phân khúc sàn bán lẻ thương mại cho thuê duy trì sự phát triển ổn định.

Riêng ở phân khúc căn hộ có 2.500 căn mới đã phần nào giải tỏa cơn khát nguồn cung kéo dài của thị trường căn hộ thành phố trong thời gian qua.

Trong quý 3, nguồn cung căn hộ đã quay trở lại với thị trường sau một thời gian trầm lắng, nhỏ giọt. Savills ghi nhận số căn mới tăng 572% theo quý và 11% theo năm lên 2.528 căn, từ hai dự án mới và sáu dự án của giai đoạn tiếp theo.

Thành phố Thủ Đức có 74% thị phần, trong đó Vinhome Grand Park-The Glory Heights (hạng B) chiếm 59% thị phần.

Các nguồn cung mới khác bao gồm các dự án hạng B và C tại Bình Tân và Bình Chánh. Theo Savills Việt Nam, nguồn cung sơ cấp tăng 32% theo quý và 12% theo năm lên 7.722 căn, phần nào giải tỏa áp lực thiếu nguồn cung. Hạng B có nguồn cung lớn nhất với 49% thị phần, theo sau là hạng C với 34% thị phần và hạng A với 17%.

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, các dự án hạng C có 651 giao dịch, thể hiện nhu cầu nhà ở giá rẻ vẫn ở mức cao. Các dự án hạng B có 210 giao dịch, trong khi hạng A chỉ có 42 giao dịch. Để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung giải quyết cho 148 dự án; trong đó 39 dự án đã có kết quả giải quyết.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục hạ lãi suất sẽ mang lại khả năng tiếp cận vốn tốt hơn cho các dự án đang triển khai. Những cơ chế này dự kiến sẽ giúp tăng trưởng nguồn cung và thúc đẩy thị trường phát triển.

Đến cuối năm 2023, dự kiến sẽ có hơn 1.900 căn mới được chào bán; trong đó hạng C sẽ là sản phẩm chủ lực với 69% thị phần, hạng B sẽ có 26% thị phần và hạng A sẽ có 5%.

Đối với thị trường biệt thự, nhà phố tiếp tục ghi nhận không có nguồn cung mới theo quý, điều này dẫn đến nguồn cung sơ cấp của phân khúc này chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua với 766 căn, giảm 24% theo quý và 5% theo năm.

[Văn phòng cho thuê tại TP.HCM có tỷ lệ trống tăng cao nhất 12 năm qua]

Lượng giao dịch trong quý 3, chỉ đạt 64 căn, thấp nhất kể từ năm 2018, giảm 43% theo quý và 82% theo năm, do nguồn cầu suy giảm, không có nguồn cung mới và hàng tồn kho đắt đỏ. Các căn có giá trên 30 tỷ đồng chiếm 78% nguồn cung và chủ yếu ở thành phố Thủ Đức. Nhà phố thương mại chiếm 64% lượng giao dịch trong quý 3, chủ yếu đến từ The Global City (Thủ Đức).

Trước bối cảnh đó, các chủ đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng và thậm chí ngưng bán hàng, hạn chế các hoạt động marketing và trì hoãn kế hoạch mở bán các dự án mới cho đến năm sau. Trong quý 4, dự kiến sẽ có khoảng 200 căn mới được chào bán ra thị trường. Và đến năm 2026, thị trường được kỳ vọng sẽ đón thêm 4.600 căn được chào bán cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm được hoàn thiện.

“Thị trường biệt thự, nhà phố vẫn duy trì tiềm năng tăng trưởng bất chấp những thách thức hiện tại. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận nhiều hơn các quỹ đất nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung hiện tại," ông Neil MacGregor, Tổng Giám Đốc Savills Việt Nam, nhận định.

TP.HCM giải tỏa cơn khát nguồn cung kéo dài của thị trường căn hộ ảnh 2Một khu chung cư tại phường 7, quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong quý 3, công suất hoạt động của mặt bằng bán lẻ cho thuê diễn ra ổn định, duy trì ở mức 91%, không thay đổi theo quý. Hầu hết, chủ nhà tại các khu vực trung tâm vẫn tự tin với giá thuê cao ổn định ở mức 3,3 triệu đồng/m2/tháng, cao gấp 3 lần so với ngoài trung tâm. Giá thuê khu vực ngoài trung tâm cũng tăng nhẹ 1% theo quý lên mức 1 triệu đồng/m2/tháng.

Theo khảo sát của Savills về các giao dịch thuê trong quý vừa qua, khách thuê ngành dịch vụ ăn uống (F&B) chiếm 37% tổng diện tích thuê, nhóm ngành thời trang chiếm 24% thị phần, các lĩnh vực còn lại như sức khỏe, làm đẹp và giải trí chiếm 13% mỗi ngành.

“Nền kinh tế trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực, thúc đẩy các thương hiệu mới tiếp tục gia nhập và mở rộng ở khu vực ngoài trung tâm," bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường, Savills Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.

Một số giao dịch thuê với mục đích mở rộng tại khu vực ngoài trung tâm tiêu biểu như Dragon Golf Land thuê 1.900m2 sàn tại Tòa nhà Long Sơn (Quận 7) và Công ty Poseidon thuê 900m2 sàn tại Dự án Vincom Plaza Phan Văn trị (Quận Gò Vấp). Riêng phân khúc khối đế bán lẻ cho thấy tình hình hoạt động khá chật vật.

Theo dữ liệu của Savills, khối đế bán lẻ là phân khúc có sự giao động mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ vừa qua, sau giai đoạn đạt đỉnh với tỷ lệ lấp đầy 100% vào năm 2010, công suất cho thuê duy trì đà giảm 2 điểm phần trăm trong quý vừa qua, đạt 80%. Trong quý cuối năm 2023, nguồn cung mới dự kiến là 82.227m2 đến từ 4 dự án.

Trong năm 2024, các dự án lớn như Vivo City, Giga Mall và Vincom 3/2 cũng có kế hoạch cải tạo và thay đổi cơ cấu khách thuê để làm mới chu kỳ bán lẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục