TP.HCM thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế-xã hội

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thảo luận, thông qua 9 nghị quyết về các vấn đề quan trọng liên quan trong lĩnh vực giáo dục, phát triển đô thị, tài chính-ngân sách…
TP.HCM thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết thông qua nghị quyết về các tờ trình của Ủy ban Nhân dân Thành phố. (Nguồn: hochiminhcity.gov.vn)

Ngày 23/3, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX tổ chức Kỳ họp thứ 24 (Kỳ họp chuyên đề).

Dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố, các đại biểu đã thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết về nhiều nội dung cấp bách, có ý nghĩa, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố trong giai đoạn tới.

Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thảo luận, thông qua 9 nghị quyết về các vấn đề quan trọng liên quan trong lĩnh vực giáo dục, phát triển đô thị, tài chính-ngân sách… Trong đó có Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng từ năm 2020-2021 đến hết năm học 2024-2025.

Cụ thể, các giáo viên mầm non là đối tượng được hỗ trợ, trong năm đầu tiên được tuyển dụng sẽ nhận mức hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng; 70% lương cơ sở/người/tháng trong năm thứ 2 sau khi tuyển dụng và được hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng trong năm thứ 3.

Kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, khu vực, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng các học sinh, học viên đoạt các giải trên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương được sẽ được hưởng mức chi khuyến khích lên tới 200 triệu đồng đối với Huy chương Vàng; 160 triệu đối với Huy chương Bạc và 120 triệu đối với Huy chương Đồng…

[TP.HCM đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 108 tỷ USD vào năm 2030]

Học sinh, học viên là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật đoạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế, khu vực, quốc gia, thành phố sẽ được hưởng mức tiền thưởng gấp 1,5-2 lần. Giáo viên đạt giải Huy chương Vàng trong các kỳ thi quốc tế cũng sẽ nhận mức thưởng tới 200 triệu đồng, giải Nhất trong các kỳ thi quốc gia được thưởng 50 triệu đồng… Các giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải được mức thưởng theo nguyên tắc bằng 70% mức của học sinh, học viên.

Ngoài ra, kỳ họp đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh hủy dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 của quận 2, quận 9, quận Thủ Đức; giao chỉ tiêu dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021 cho thành phố Thủ Đức; Nghị quyết về nội dung, mức chi, thời gian được hưởng hỗ trợ phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các Nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố giai đoạn 2018-2020; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025…

Tầm nhìn quy hoạch Thành phố tương lai

Tại kỳ họp, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố đã báo cáo các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố về điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh, Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến 2040 tầm nhìn 2060.

Trong đó, tầm nhìn phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2060 xác định: “Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Góp ý về định hướng quy hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng mục tiêu quy hoạch đến năm 2040 xác định “mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu hiện hữu; môi trường không khí đảm bảo sức khỏe; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch, giá rẻ với nền công nghiệp đô thị kỹ thuật cao” là chưa đủ. Vì người dân cần được đảm bảo về “môi trường sống” với nhiều yếu tố khác chứ không chỉ là môi trường không khí; hay ngoài nhu cầu nhà ở, người dân cũng rất cần đảm bảo các nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, nhu cầu đảm bảo về giao thông kết nối…

Ngoài ra, theo đại biểu, với tư cách là một “đại đô thị” của khu vực, Thành phố Hồ Chí Minh cần có định hướng chung phát triển đặt trong mối liên quan với sự phát triển của các đô thị khác trong khu vực cũng như sự phát triển chung của toàn khu vực.

TP.HCM thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy quan tâm đến Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức dưới góc nhìn văn hóa và cho rằng quy hoạch cần được xây dựng theo từng giai đoạn để đáp ứng yêu chung và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư; phù hợp với đặc điểm văn hóa của dân cư thành phố Thủ Đức cơ bản vẫn mang tính truyền thống.

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề gìn giữ, phát triển các yếu tố đặc thù văn hóa truyền thống của người dân. Các giá trị văn hóa cốt lõi cần bảo tồn, gìn giữ và phát triển cần phải đưa vào quy hoạch chung ngay từ bây giờ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặc biệt tâm đắc với những yêu cầu về tính khả thi của quy hoạch; nhấn mạnh trên thực tế đã diễn ra nhiều quy hoạch không đảm bảo tính khả thi dẫn đến không thực hiện được trên thực tế, gây nhiều ảnh hưởng cho đời sống nhân dân. Quy hoạch phải luôn đảm bảo được tính nhân dân, đảm bảo đồng bộ tiếng nói, lợi ích của người dân trong quy hoạch để quy hoạch được đưa vào đời sống chứ không chỉ nằm trên dự án.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu không gian công cộng. Vì vậy, quy hoạch phát triển cần dành nhiều không gian công cộng phục vụ yêu cầu của người dân như phát triển công viên, cây xanh. Đồng thời, Thành phố cần xác định xây dựng nhiệm vụ quy hoạch không gian ngầm; trong đó ưu tiên đưa các công trình thương mại, dịch vụ và hệ thống giao thông ngầm xuống không gian ngầm để phục vụ cho các nhu cầu không gian công cộng, dịch vụ thiết yếu của người dân đô thị…

Các quy hoạch điều chỉnh phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thủ Đức trong thời gian tới tiếp tục được Hội đồng Nhân dân Thành phố nghiên cứu, cho ý kiến.

Cũng tại Kỳ họp lần này, các đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Triệu Đỗ Hồng Phước (để nhận nhiệm vụ mới); bầu bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, làm Trưởng ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân Thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục