TP.HCM: Xây dựng thương hiệu Việt gắn với môi trường xanh

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến môi trường sống xanh, ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng trở nên tốt đẹp.
TP.HCM: Xây dựng thương hiệu Việt gắn với môi trường xanh ảnh 1Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nền kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh đang là xu hướng được quan tâm trong thời gian gần đây trên thị trường thương mại tự do.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến môi trường sống xanh và ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh doanh và đóng góp làm cho cộng đồng trở nên tốt đẹp.

Nắm bắt những xu hướng này, sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang đồng hành cùng đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đưa ra đa dạng giải pháp xây dựng thương hiệu Việt với chiến lược hướng đến phát triển bền vững.

Cấp vé thông hành

Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tháng 12 này cho thấy sở, ngành và nhiều đơn vị liên quan đã phối hợp triển khai đa dạng hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Đáng chú ý, những hoạt động này không chỉ góp phần trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 ở thời điểm hiện tại, mà còn định hướng cho đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạch định chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố, tập trung đủ thành phần doanh nghiệp hoạt động trên hầu hết ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; trong đó, có những ngành nghề truyền thống lâu đời cho đến lĩnh vực vừa mới manh nha hình thành trên thế giới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thương hiệu sản xuất, kinh doanh uy tín, có sự tin cậy của đối tác trong và ngoài nước, cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập với chiến lược đầu tư, kinh doanh bài bài bản hoặc đón đầu xu hướng phát triển. Với tiềm năng này, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương tiên phong về sáng kiến, giải pháp nâng cao công tác quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Cụ thể, trong bối cảnh doanh nghiệp chịu tác động nặng nền từ dịch COVID-19, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn kịp thời triển khai chương trình Giải thưởng "Thương Hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh" do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức. Đây là chương trình nhằm ghi nhận và tôn vinh thương hiệu, sản phẩm, nhóm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín, tiêu biểu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực và thành công trong việc xây dựng thương hiệu.

[Người Việt dùng hàng Việt góp phần tăng quy mô cung-cầu nền kinh tế]

Mục tiêu của Giải "Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh" là phấn đấu xây dựng được 3 giá trị cốt lõi là uy tín chất lượng, thương hiệu ấn tượng và đón đầu xu hướng. Bên cạnh đó, giải thưởng này còn thể hiện biểu trưng với 3 thành tố nhận diện và ý nghĩa là hướng đến phát triển ngành công nghiệp hiện đại, nơi giao thương sôi động, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Giải "Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh" dự kiến sẽ được tổ chức thường niên hàng năm. Các thương hiệu đạt giải "Thương hiệu vàng Thành phố Hồ Chí Minh," ngoài được tôn vinh, quảng bá sẽ được thành phố triển khai đa dạng giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực phát triển nhằm mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để chung tay đồng hành cùng doanh nghiệp và phát huy vai trò là cánh tay nối dài của thương hiệu Việt, Báo Sài gòn giải phóng, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigo Co.op), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad cũng đã ký kết hợp tác chiến lược, nhằm thực hiện mục tiêu “Nâng cao vị thế hàng Việt-Hướng đến phát triển sản xuất xanh-Kết nối thị trường bền vững.” Chương trình không nằm ngoài mục tiêu gia tăng vị thế hàng Việt tại thị trường nội địa, làm cơ sở để tăng nội lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Từ đó, giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận diện đúng giá trị và thương hiệu hàng Việt, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng cho hàng Việt. Đồng thời, các bên liên kết sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp tạo nền tảng thuận lợi mở đường cho doanh nghiệp phát triển.

Bà Phùng Thị Ái Vân, Điều phối chính Chương trình ký kết hợp tác chiến lược, nhằm thực hiện mục tiêu “Nâng cao vị thế hàng Việt-Hướng đến phát triển sản xuất xanh-Kết nối thị trường bền vững” cho rằng hàng Việt Nam đã và đang từng bước chinh phục được thị trường toàn cầu, khẳng định thương hiệu Việt.

Tuy nhiên người tiêu dùng cũng đặt ra những đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất sứ hàng hóa. Theo đó, chương trình hợp tác sẽ tập trung triển khai các hoạt động như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) - Vị thế hàng Việt; Giải thưởng doanh nghiệp Xanh; Chiến dịch tiêu dùng Xanh...

Tiêu dùng và bình chọn

Ngoài những chương trình hành động kể trên, sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đồng loạt công bố đa dạng kế hoạch hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng thị trường. Điểm nổi bật trong những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn thành phố đều có sự tham gia góp sức của người tiêu dùng.

Theo đó, người tiêu dùng sẽ đóng vai trò bình chọn và lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ xứng đáng mang thương hiệu Việt để cấp vé thông hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thị trường. Cùng với đó, sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là đầu mối và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất sứ hàng hóa của doanh nghiệp.

TP.HCM: Xây dựng thương hiệu Việt gắn với môi trường xanh ảnh 2Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh mua thịt lợn tại Co.opmart Vạn Hạnh, quận 10. (Ảnh: TTXVN phát.)

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Ngân, cư ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ, chỉ có người tiêu dùng mới là người trực tiếp tiêu dùng và trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, cũng như có thể đánh giá toàn diện nhất về thương hiệu hàng hóa. Với kinh nghiệm mua sắm, người tiêu dùng sẽ nhận định được sản phẩm, hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng rồi, nhưng có đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng và xu hướng thị trường hay không.

Theo chị Thanh Ngân, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp dù tốt nhưng không lưu thông được trên thị trường, người tiêu dùng không chấp nhận thì khó tìm đường xây dựng được thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, chưa kể hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng dễ dàng trong thị trường thương mại tự do.

Vì vậy, trước tiên doanh nghiệp cần có sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu, tiếp theo đó là khẳng định giá trị thương hiệu Việt và mọi người dân Việt Nam đều luôn sẵn sàng ủng hộ cho đơn vị sản xuất, kinh doanh làm ăn chân chính.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, có hay không đại dịch COVID-19, Saigon Co.op vẫn luôn thực hiện sứ mệnh góp sức xây dựng thương hiệu Việt. Saigon Co.op dành không gian trưng bày, giới hiệu hàng Việt; thực hiện chính sách thanh toán, chiết khấu, giao dịch... để tăng cường hiệu quả đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

"Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng là đơn vị đầu ngành bán lẻ theo đuổi mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoàn thiện quy chuẩn sản xuất, quy trình sản xuất... Tuy nhiên, nếu từng đơn vị làm riêng lẻ sẽ khó tạo được sự cộng hưởng và đạt hiệu quả cao.

Mối quan hệ 2 chiều, cung cấp nền tảng và hỗ trợ doanh nghiệp, thu thập thông tin và thị hiếu khách hàng truyền tải đến doanh nghiệp để chuyển đổi sản xuất, kinh doanh... cần sự bắt tay liên kết của nhiều đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước," ông Lê Trường Sơn chia sẻ thêm.

Hiện nay, sản phẩm, dịch vụ xanh đặc biệt tạo được sức hút đối với người tiêu dùng nhờ vào những yếu tố như bảo vệ nguồn tài nguyên môi trường, quyền lợi người lao động và những nhà cung cấp, đồng thời liên tục cải thiện cách tiếp cận để hướng tới sự bền vững và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Vì vậy, sau khi nâng cao vị thế hàng Việt và hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, xúc tiến nhiều hoạt động kết nối thị trường là hướng đi phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu; trong đó người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng quyết định tiêu dùng và bình chọn cho thương hiệu Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục