Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), với hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, để không bị thôn tính thì chỉ có cách thay đổi mô hình quản trị và liên kết lại.
Nhấn mạnh tại hội thảo "Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025" do Bộ Công Thương phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (Mutrap) tổ chức tại Hà Nội, sáng 14/12, ông Thắng cho rằng, dù Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có được ký kết hay không thì các quy định của hiệp định này sẽ luôn là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt Nam nâng sức cạnh tranh và vươn lên.
Ông Thắng chỉ ra một thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa chú trọng đến việc ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Thống kê sơ bộ, chỉ có 8% doanh nghiệp là có trình độ công nghệ trung bình, 45% doanh nghiệp có công nghiệp trung bình thấp và chỉ khoảng 2% doanh nghiệp có trình độ cao.
Trong khi đó, thách thức từ các doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua rất lớn, đã có hàng trăm doanh nghiệp nội bị thôn tính và theo ông Thắng, đây là bài học quan trọng để doanh nghiệp trong nước phải thay đổi tư duy, nếu không con số phá sản và giải thể sẽ nhiều hơn nữa.
"Trong quá trình hội nhập sâu với thế giới, muốn tồn tại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sớm từ bỏ tư duy làm ăn manh mún, chụp giật," ông Thắng nói.
Cùng quan điểm trên, phó giáo sư, tiến sỹ Phan Tố Uyên, Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, công nghệ và quản lý còn yếu kém, sức cạnh tranh không cao là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Dẫn chứng số liệu của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiến sỹ Phan Tố Uyên cho biết, trong số doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa 2%, còn lại 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
"Với xuất phát điểm đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh nên nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức," Tiến sỹ Phan Tố Uyên cho hay.
Trước những vấn đề nêu trên, theo chuyên gia này, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.