Ông chủ Thế giới di động: Kinh doanh phải có cái tâm với xã hội

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới di động Nguyễn Đức Tài, thành công không thể đến nếu thiếu đi cái tâm chân thành với cộng đồng và đất nước.
Ông chủ Thế giới di động: Kinh doanh phải có cái tâm với xã hội ảnh 1Chữ tín và sự thành tâm là yếu tố cốt lõi giúp ông Tài sải bước thành công

Là một doanh nhân luôn quan sát và theo dõi sát sao từng chuyển động trên thị trường, Nguyễn Đức Tài đã từng bước đưa Thế giới di động vào hàng ngũ những thủ lĩnh tiên phong trong ngành bán lẻ di động. Mục tiêu tiếp theo của ông sẽ là điện máy và thực phẩm sạch. Với ông, thành công không thể đến nếu thiếu đi cái tâm chân thành với cộng đồng và đất nước.

Doanh nhân nhạy bén với thời cuộc

Nguyễn Đức Tài là một trong những người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới di động. Trong 12 năm qua, ông Tài đã xây dựng được một đội ngũ mạnh, từng bước đưa Thế giới di động trở thành một trong những nhà bán lẻ mặt hàng di động hàng đầu Việt Nam và mở rộng thị phần ra nước ngoài. Ông còn tiếp tục sải bước thành công với mặt hàng điện máy và thậm chí rau sạch.

Từ sự nhạy bén của người doanh nhân với những thay đổi về xu hướng, năm 2004, ông Tài cùng những người bạn đã lập ra một dự án kết hợp giữa một trang web trực tuyến và hệ thống bán lẻ di động có số vốn khoảng 1 tỷ đồng. Với sự cần mẫn, kiêm nhiệm mọi công việc từ tuyển dụng, đàm phán, mua hàng cho tới tìm mặt hàng…, Nguyễn Đức Tài từng bước giúp Thế giới di động đi lên mạnh mẽ.

Tới 2011, công ty này đã có 80 siêu thị và tiếp tục phủ khắp cả nước. Sau khi thăng hoa với chuỗi bán lẻ di động, công ty định hình một "đế chế bán lẻ" và trở thành tập đoàn đa ngành bằng việc mở rộng các sản phẩm điện máy. Đến cuối tháng 7, công ty đã công bố hoàn tất quá trình mở rộng hệ thống Điện máy xanh tới 63/63 tỉnh thành của Việt Nam. Kỳ vọng đến 2017, “gã khổng lồ” này sẽ chiếm 30% thị phần điện máy ở Việt Nam, trở thành một trong 3 công ty hàng đầu về bán lẻ thiết bị gia dụng và điện tử.

Với thói quen luôn quan sát những vận động đang xảy ra trên thị trường cộng với khao khát kinh doanh luôn có sẵn, ông Tài lại một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh khác biệt của mình. Tháng 9/2015, ông đã cùng các cộng sự cho ra đời mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực không hề liên quan đến những gì ông đã làm trước đây - kinh doanh thực phẩm sạch với cửa hàng mang thương hiệu Bách Hóa Xanh. Và cho đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, thương hiệu này đã và đang từng bước vượt qua khó khăn của một dự án non trẻ để đem lại những khoản lợi nhuận đầu tiên và khẳng định vị thế trên thị trường nông sản.

Cái tâm lớn với đất nước

Nếu như tạo ra lợi nhuận khủng là cái tài của người doanh nhân thì việc mở đường cho thành công của người khác làm nên bản lĩnh khác biệt, khẳng định cái tâm sáng của họ. Tại cuộc thi “Startup Việt – Sải bước thành công,” ông Tài mở lòng về những kế hoạch mới của mình. Chưa bao giờ hài lòng với những thành công của Thế giới di động, ông luôn tìm cách đưa thương hiệu Việt này ra sân chơi quốc tế. Ông bắt đầu mở rộng ra thị trường nước ngoài.

Năm 2017, công ty sẽ kết hợp cùng đối tác mở cửa hàng đầu tiên tại Myanmar với số vốn ban đầu được tiết lộ là vài triệu USD. Mục tiêu 2020, công ty sẽ mở rộng kinh doanh ở Lào, Campuchia và Myanmar, đồng thời, tăng thị phần điện thoại di động từ 30% lên 40%. Câu chuyện của Thế giới di động đã tạo cảm hứng cho hàng loạt doanh nghiệp Việt non trẻ khác vươn ra thị trường mà bấy lâu vẫn mặc định nằm trong tay những “ông lớn” nước ngoài.

Hay như với thương hiệu Bách Hóa Xanh, ông Tài cũng khởi sự kinh doanh từ cái tâm lớn với xã hội. Nhận thấy thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, ông Tài mong muốn tạo nên một nơi đáng tin cậy để người tiêu dùng yên tâm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đi theo hướng phát triển thực phẩm sạch, nhân rộng lý tưởng kinh doanh bền vững này.

Chia sẻ về dự án kinh doanh mới, ông Tài cho rằng trước mắt là phục vụ xã hội. Đây là một việc mà bất cứ doanh nhân nào cũng nên làm. Cho nên, thời kỳ đầu Bách Hóa Xanh sẽ bán làm sao cho khách hàng nhanh nhất, rẻ nhất và không quá chú ý đến lợi nhuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục