Trà Vinh: Đồng bào Khmer đón Tết Sen Dolta trong niềm vui mới

Hơn 300.000 người Khmer tỉnh Trà Vinh đã đón Tết cổ truyền Sen Dolta cùng với nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất, tinh thần của họ ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Trà Vinh: Đồng bào Khmer đón Tết Sen Dolta trong niềm vui mới ảnh 1Tiết mục múa cổ truyền của người Khmer mừng Tết Sen Dolta. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Tết cổ truyền Sen Dolta năm nay diễn ra trong ba ngày từ 22-24/9, hơn 300.000 người Khmer tỉnh Trà Vinh đón thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất, tinh thần của họ được nâng lên rõ rệt.

Riêng đối với các hộ Khmer nghèo được nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, được kéo điện lưới vào nhà… niềm vui được nhân lên gấp bội.

Là một trong những hộ thoát nghèo bền vững ở ấp Đôn Chụm, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, đón chúng tôi trong căn nhà mới khá khang trang, nông dân Kim Sa Oanh Na phấn khởi cho biết: "Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, nhờ được nhà nước hỗ trợ vốn nuôi bò, trồng màu, các con đi học được miễn học phí, nay càng vui hơn khi được hỗ trợ cất nhà, kéo điện, nước sạch vào tận nhà. Căn nhà này, do nhà nước hỗ trợ một phần, phần còn lại do gia đình tôi đầu tư từ việc bán một con bò và tiền tích lũy từ các vụ màu vừa qua."

Đôn Chụm là một ấp vùng sâu của xã Tân Sơn, trong số 193 hộ dân có tới 182 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Điều đáng nói là từ một ấp khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Trà Cú, nay Đôn Chụm chỉ còn 20 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Ấp đang phấn đấu năm 2014, sẽ có thêm 10 hộ thoát nghèo và đến cuối năm 2015, sẽ không còn hộ nghèo.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Đôn Chụm, Kim Sa Khene nhớ lại, mười năm trước, ấp này còn nghèo lắm, số hộ nghèo của ấp chiếm không dưới 40%... Tới mùa lúa chín, bà con trong ấp kéo nhau đến địa phương khác để gặt lúa thuê.

Khi hết mùa vụ thì không có việc làm, nhiều người phải mượn ăn trước trả sau, nợ không dứt. Đặc biệt, đối với những thanh niên khi lập gia đình, nhiều hộ tách khẩu, ruộng trong ấp ít nên phải đi làm thuê sang ấp khác.

Khổ nhất là việc các gia đình mang con theo đi làm thuê nên các cháu phải bỏ học. Mấy đứa lớn ở lại giữ nhà cũng không được đi học vì đường sá lầy lội, đi lại khó khăn. Vì vậy, trình độ dân trí trong ấp không cao, chuyện thanh niên nhậu nhẹt đánh nhau gây mất trật tự xảy ra thường xuyên.

Trà Vinh là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, chiếm hơn 30% dân số của tỉnh - sau tỉnh Sóc Trăng.

Ngay từ đầu mới tái lập tỉnh (tháng 5/92), Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết 01 và năm 2003 tiếp tục ban hành Nghị quyết 06.

Tổng kết Nghị quyết 06, Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành tiếp Nghị quyết 03 về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2011-2015.

Điều này cho thấy, Đảng bộ và Chính quyền Trà Vinh luôn quan tâm và có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc đi vào cuộc sống.

Bằng các nguồn vốn trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã đầu tư rất lớn cho hệ thống thủy lợi, giao thông, trường học… ở vùng đồng bào dân tộc; hỗ trợ vốn, đất ở, đất sản xuất, nhà ở, đào tạo nghề miễn phí…cho đồng bào dân tộc thuộc diện hộ nghèo.

Chỉ tính riêng việc triển khai thực hiện Quyết định 167/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trà Vinh có hơn 40.000 hộ Khmer nghèo được hỗ trợ về nhà ở.

Ngoài ra, Trà Vinh đã hoàn thành giai đoạn 1 Dự án cung cấp điện cho hơn 18.900 hộ dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer thuộc 83 xã, của 7 huyện trong tỉnh.

Dự án này, có tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 228 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp 85% (thông qua vay vốn ADB), tương đương 192,9 tỷ đồng và vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Nam là 15%, tương đương 34 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2, có tổng nguồn vốn đầu tư 112 tỷ đồng; trong đó, đầu tư xây dựng gần 53km đường dây trung thế, 193km đường dây hạ thế, lắp đặt 137 trạm biến thế có tổng công suất 3.000 KVA, kéo điện nhánh vào nhà và lắp đặt côngtơ cung cấp điện cho gần 6.100 hộ dân ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer thuộc địa bàn 83 xã của 7 huyện trong tỉnh hiện chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng.

Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành hơn 85% khối lượng công việc và phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.

Khi dự án này hoàn thành (giai đoạn 2), Trà Vinh sẽ nâng tỷ lệ hộ Khmer sử dụng điện từ 92,93% hiện nay tăng lên 95,76% và của tỉnh từ 94,41% tăng lên 97,43%.

Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer được nâng lên rõ nét, bộ mặt nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc không ngừng “thay da, đổi thịt,” hàng năm kéo giảm 4% tỷ lệ hộ Khmer nghèo.

Sen Dolta là một trong ba lễ hội chính của tộc người Khmer Nam Bộ nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng (Sen Dolta, Tết Chôl ChnămThmây và Okombok) được tổ chức định kỳ hàng năm, diễn ra liên tục trong ba ngày.

Theo ông Thạch Chân, cán bộ hưu trí, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, lễ hội này có ý nghĩa nhớ ơn người đã khuất, được tổ chức tại gia đình và các chùa Khmer theo nghi thức, ngày thứ nhất, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ, cúng cơm người đã khuất; ngày thứ hai, thỉnh mời linh hồn người đã khuất trong gia đình vào chùa nghe tụng kinh, niệm Phật; ngày thứ ba, cúng cơm tại gia đưa tiễn linh hồn ông bà và dâng lễ vật (các món ăn hàng ngày) để các vị sư sãi cúng ông bà tại chùa…

Dịp này, đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương các cấp ở Trà Vinh đã tổ chức họp mặt, thăm viếng, tặng quà các gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng là người dân tộc Khmer và sư sãi tại các chùa.

Riêng các địa phương có đông đồng bào dân tộc còn nắm chắc số hộ Khmer có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ cho họ có điều kiện đón lễ Sen Dolta thật ấm no, hạnh phúc.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với các chùa tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí theo bản sắc văn hóa dân tộc Khmer như tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ, các trò chơi dân gian…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục