Trái phiếu doanh nghiệp: Ai chịu trách nhiệm để vực dậy lòng tin?

Để thị trường vốn phát triển lành mạnh, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có một định chế tài chính độc lập, có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm.
Trái phiếu doanh nghiệp: Ai chịu trách nhiệm để vực dậy lòng tin? ảnh 1Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm,” ngày 13/9. (Ảnh: BTC)

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Song thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm để huy động trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao trong bối cảnh tình hình tài chính yếu.

Điều này đã dẫn đến một số vụ việc vi phạm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của thị trường và đã bị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Tại buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm,” do tạp chí Nhịp sống Doanh nghiệp, BizLIVE tổ chức ngày 13/9, các chuyên gia đã nêu ra các “khoảng trống” và các giải pháp “hàn gắn” thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tiến sỹ Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi trên thực tế không có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm cuối cùng.

[Bộ Tài chính gia tăng khuyến nghị đối với trái phiếu doanh nghiệp]

Từng là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, song ông Phước vẫn phải đặt câu hỏi: “Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa?”

Theo ông Phước, muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, Việt Nam cần có một định chế tài chính độc lập có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.

Đồng tình với đánh giá trên, tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng thời gian qua có nhiều điều chưa được “hài lòng” về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường.

Cụ thể hơn, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là “bộ phận hẹp” trong Ủy ban chứng khoán Nhà nước là điều cần phải xem xét lại.

Thị trường tài chính: Hợp nhất hay chuyên biệt?

Theo ông Nghĩa, “niềm tin và trách nhiệm” luôn gắn kết với nhau và trách nhiệm trước hết là của Chính phủ cũng như lòng tin trước hết phải xuất phát từ phía doanh nhân, doanh nghiệp (các tổ chức huy động trái phiếu doanh nghiệp).

“Do giám sát không chặt chẽ đã khiến thị trường ‘lên bờ xuống ruộng’ và như thế sẽ rất khó phát triển bền vững lâu dài đồng thời khó giữ niềm tin vững chắc của dân chúng,” ông Nghĩa nói.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro tương đối cao và cần có hệ thống giám sát vi phạm đạt chuẩn để các nhà đầu tư thấy rõ “sức khỏe doanh nghiệp,” từ đó đưa ra các quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro của họ.

Trái phiếu doanh nghiệp: Ai chịu trách nhiệm để vực dậy lòng tin? ảnh 2Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro tương đối cao và cần có hệ thống giám sát vi phạm đạt chuẩn để các nhà đầu tư thấy rõ sức khỏe doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

"Hiện tại, Việt Nam chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Và, cách giải quyết vấn đề là khi sai phạm xảy ra sẽ xử lý hình sự. Cứ mỗi lần như vậy, thị trường bị rủi ro rất lớn do mất niềm tin," ông Nghĩa nói.

Ông Võ Trí Thành cho rằng thị trường trái phiếu của Việt Nam hình thành từ những năm 90 và đến nay đã phát triển khá đa dạng. Vấn đề đặt ra đã đến lúc cần một cơ quan chịu trách nhiệm chính, theo hướng xác định rõ việc giám sát thị trường tài chính là “thị trường hợp nhất hay chuyên biệt.”

“Từ khi thành lập Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này đã quản lý gắn với kinh tế vĩ mô, điều tiết các vấn đề tài chính bên cạnh đó là giám sát các định chế tài chính. Cho nên trong bối cảnh mới, Việt Nam có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của Ủy ban mà không cần thiết phải lập lại thị trường,” ông Thành nói./.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.

Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành là chủ yếu và chỉ có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

Như vậy, trong bốn tháng gần đây, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp rơi vào “khoảng trống” đột ngột kể từ khi bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục