Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 31/3 cho biết trạm không gian Thiên Cung 1 (Tiangong-1) bị hỏng của Trung Quốc có thể rơi trở lại Trái Đất chậm hơn dự báo.
Trước đó, ESA - cơ quan đang theo dõi trạm Thiên Cung 1 - cho biết thời gian dự kiến trạm không gian này rơi xuống Trái Đất là từ giữa ngày 31/3 đến chiều ngày 1/4 theo giờ GMT (muộn hơn giờ Việt Nam 7 tiếng).
Tuy nhiên, trong thông báo cập nhật ngày 31/3, cơ quan này dự báo Thiên Cung 1 sẽ đi vào khí quyển Trái Đất vào sáng 2/4 tới theo giờ GMT.
[Trạm không gian Thiên Cung 1 sắp rơi không kiểm soát xuống Trái đất]
Theo ESA, điều kiện thời tiết thuận lợi trong không gian, khi dòng di chuyển tốc độ cao của các phân tử năng lượng Mặt Trời không làm tăng mật độ phân tử này ở tầng cao của khí quyển.
Sự gia tăng mật độ các phân tử năng lượng Mặt trời sẽ kéo trạm không gian về Trái Đất sớm hơn.
ESA cho biết không thể chắc chắn về việc các mảnh vỡ của trạm không gian hỏng trên sẽ rơi xuống đâu trên Trái Đất.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cho biết trạm Thiên Cung 1, nặng 8 tấn, có thể không gây hậu quả gì khi trở lại Trái Đất, và việc nó bốc cháy và vỡ tung sẽ tạo ra một cảnh "ngoạn mục" cho các nhà quan sát thời tiết, giống như mưa sao băng.
Văn phòng Nghiên cứu không gian có người lái của Trung Quốc (CMSEO) cho rằng "mọi người không nên quá lo lắng."
Trạm Thiên Cung 1 đã được đưa lên quỹ đạo từ tháng 9/2011, sau đó Trung Quốc đã mất kiểm soát đối với trạm không gian này.
Tháng 3/2016, Thiên Cung 1 đã ngừng hoạt động và kể từ đó bắt đầu rơi tự do vì lực hút Trái Đất. Sự trở về này cũng không thể kiểm soát vì các đội điều khiển mặt đất không thể ra lệnh cho nổ tung trạm này, hay thay đổi quỹ đạo của nó.
Phát biểu với báo giới ngày 30/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết nước này sẽ phối hợp với Văn phòng Các vấn đề ngoài không gian của Liên hợp quốc để theo dõi quá trình "trở về nhà" của Thiên Cung 1.
Bắc Kinh coi chương trình không gian trị giá hàng tỷ USD này là biểu tượng cho sự nổi lên của Trung Quốc.
Trạm không gian Thiên Cung 2 đã được đưa lên quỹ đạo hồi tháng 9/2016, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu có một trạm không gian có người lái vào năm 2022.
Nước này cũng có dự định đưa một tàu không gian có người lái lên Mặt Trăng trong tương lai./.