Trang tin Mỹ: Việt Nam sẽ đầu tư xây các cảng biển đẳng cấp quốc tế

Trang Maritime Executive (Mỹ) đưa tin Việt Nam có kế hoạch đầu tư từ 6 đến 8 tỷ USD để nâng cấp khả năng của các cảng biển Việt Nam, xây dựng các cảng biển đạt đẳng cấp thế giới.
Trang tin Mỹ: Việt Nam sẽ đầu tư xây các cảng biển đẳng cấp quốc tế ảnh 1Tàu cập bến bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Cảng-Cái Mép (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trang Maritime Executive (Mỹ) đưa tin Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư quy mô nhằm xây dựng các cảng biển đẳng cấp thế giới trong giai đoạn tiếp theo của quy hoạch tổng thể cho hệ thống cảng Việt Nam.

Trang tin chuyên về ngành hàng hải này dẫn nguồn Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho biết Việt Nam có kế hoạch đầu tư từ 6 đến 8 tỷ USD trong giai đoạn phát triển cảng biển đến năm 2030.

Tại hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 30/12/2020, ngành giao thông vận tải Việt Nam xác định một trong những ưu tiên hàng đầu đến năm 2030 tầm nhìn tới năm 2050 là tập trung phát triển cơ cấu hạ tầng cảng biển.

[Ngành cảng biển được dự báo 'thăng hoa' trong năm 2021]

 Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay sau 20 năm quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về chất lẫn về lượng, cơ bản đạt mục tiêu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, tạo động lực phát triển các khu kinh tế, công nghiệp-đô thị ven biển, đảm bảo tốt việc thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa bằng đường biển giữa các vùng miền trong cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh-quốc phòng.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh rằng hoạt động tại các cảng của Việt Nam đã tăng vọt, từ gần 82 triệu tấn hàng hóa năm 2000 lên hơn 680 triệu tấn trong năm 2020. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khối lượng hàng hóa đã tăng 4% trong năm 2020.

Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam đã tăng diện tích bến cảng hơn 8 lần trong 20 năm qua. Các cảng được dùng làm cửa ngõ trung chuyển quốc tế đã được thành lập ở cả hai miền Nam, Bắc.

Theo Maritime, hiện nay, Việt Nam có khả năng tiếp nhận tàu container có trọng tải 132.000 tấn tại khu vực cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng) và 214.000 tấn tại khu vực cảng Cái Mép. Các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện than tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn (tàu xuất sản phẩm), dầu thô đến 320.000 tấn cơ bản đã đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020.

Trang tin Mỹ: Việt Nam sẽ đầu tư xây các cảng biển đẳng cấp quốc tế ảnh 2Cảng Hải Phòng đón mã hàng đầu tiên của Năm mới 2021. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu và các mục tiêu phát triển kinh tế, Bộ Giao thông Vận tải nhận định cần phải đầu tư đáng kể để nâng cấp khả năng của các cảng biển Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Việt Nam còn thiếu nhiều cảng biển tiêu chuẩn quốc tế, trong khi một số cảng nhỏ có cơ sở hạ tầng thiếu thốn dẫn đến hoạt động của cảng kém hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống cảng biển ở nước ta có năng suất thấp, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường hàng hải khu vực.

Với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu bảo đảm thông qua toàn bộ lượng hàng xuất nhập khẩu, giao lưu giữa các vùng, miền địa phương trong nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực bằng đường biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt là đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế bằng đường biển với năng lực tại các thời kỳ quy hoạch. Trọng tâm là nâng cấp cảng Hải Phòng và cảng Cái Mép đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, mục tiêu phát triển cảng biển của Việt Nam là hệ thống hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng 1,14-1,42 tỷ tấn/năm (trong đó hàng container từ 37,9 đến 46,6 triệu Teu/năm); hành khách khoảng từ 10,1-10,3 triệu lượt khách/năm vào năm 2030.

Đến năm 2050, mục tiêu hàng hóa khoảng từ 2,85 đến 3,35 tỷ tấn/năm (trong đó hàng container từ 88,6 đến 138,6 triệu Teu/năm); hành khách khoảng từ 14,4-15,1 triệu lượt khách/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục