Tranh cãi dữ dội về việc cân bằng công việc và cuộc sống ở Singapore

Tình trạng làm việc quá sức là một trải nghiệm phổ biến ở Singapore, cho dù bạn là một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm hay một người trẻ mới chập chững vào nghề.
Tranh cãi dữ dội về việc cân bằng công việc và cuộc sống ở Singapore ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNA)

Tại Singapore, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống vẫn là một đề tài thu hút nhiều sự quan tâm và bàn luận.

Sze-Yen Chee, Giám đốc Điều hành của Career Agility International - một công ty tư vấn chiến lược nghề nghiệp ở Singapore, đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này trong một bài viết được đăng tải ngày 25/9 trên trang Channel News Asia (CNA). Nội dung bài viết như sau:

“Tháng trước, khi ông Tharman Shanmugaratnam bày tỏ quan điểm của mình trước giới lãnh đạo trẻ rằng giờ làm việc ở Singapore ‘hơi quá dài,’ các khán giả đã dành cho ông một tràng pháo tay tán thưởng. (Ông Tharman Shanmugaratnam mới tuyên thệ nhậm chức hôm 14/9 vừa qua để trở thành Tổng thống thứ 9 của Singapore, khoảng hai tuần sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 1/9.)

Cuộc trao đổi đó ghi nhận tình trạng làm việc quá sức là một trải nghiệm phổ biến ở Singapore, cho dù bạn là một nhà lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm hay một người trẻ mới chập chững vào nghề.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống tiếp tục là chủ đề được bàn tán sôi nổi, những nhận xét của các nhà lãnh đạo về vấn đề này tiếp tục là chủ đề trên các mặt báo.

Đã có nhiều tranh luận xung quanh ý kiến của Giám đốc Điều hành (CEO) của DBS Piyush Gupta, khi ông nhận xét trong một Podcast của CNA rằng một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều ‘tuyệt vời,’ đồng thời cho rằng không thể tách rời công việc khỏi cuộc sống.

Ông Gupta cho rằng với một ngày làm việc trung bình từ 8-10 tiếng đồng hồ, nơi làm việc là nơi bạn có ‘bạn bè, đồng nghiệp, tầm ảnh hưởng, tiềm năng phát triển và thu nhập.’

Đương nhiên, những nhân viên làm việc quá sức có thể không đồng tình với ý kiến này. Đối với họ, cân bằng giữa công việc và cuộc sống là ưu tiên hàng đầu.

Một cuộc khảo sát năm 2023 được thực hiện bởi Công ty Tuyển dụng Randstad cho thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn ở một nơi khác là lý do hàng đầu khiến một chuyên gia Singapore từ chức.

Lời khuyên về cân bằng giữa công việc và cuộc sống từ các lãnh đạo doanh nghiệp có thể không ‘cộng hưởng’ với ‘cấp bậc và hồ sơ.’ Hẳn là các nhà quản lý cấp cao đã phải hy sinh rất nhiều cho sự thăng tiến của họ.

Nhưng liệu có nhất thiết phải đánh đổi giữa thành công trong sự nghiệp để có một cuộc sống cá nhân ‘đa sắc?’

Mùa phát triển sự nghiệp

Những nhà tư vấn nghề nghiệp như tôi luôn hỏi khách hàng điều gì là quan trọng đối với họ, vì điều này giúp họ xác định định hướng nghề nghiệp phù hợp với mục tiêu cuộc sống của mình.

Một số câu trả lời phổ biến nhất mà tôi nhận được, đó là gia đình, bạn bè, đồ ăn ngon, công việc ý nghĩa, giấc ngủ, tinh thần, sự cống hiến cho cộng đồng và sở thích.

[Không tận hiến cho công việc, trào lưu mới thịnh hành của giới trẻ]

Nếu chúng ta chấm từng yếu tố này theo thang điểm, rõ ràng không phải tất cả các yếu tố đều nhận được sự quan tâm như nhau. Chúng ta đều biết về những nhà điều hành thành công thường xuyên phải ‘online’ ngoài giờ làm việc, hoặc những người phải bỏ lỡ những cột mốc quan trọng trong cuộc đời con cái họ.

Khi các nhà điều hành đang ở ‘chế độ tăng tốc’ trong sự nghiệp, chắc chắn họ sẽ tập trung dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho công việc. Trên thực tế, tôi sẽ khuyên những ai đang tăng tốc sự nghiệp nên thực hiện các dự án mở rộng để tăng trưởng theo cấp số nhân.

Tranh cãi dữ dội về việc cân bằng công việc và cuộc sống ở Singapore ảnh 2Liệu có nhất thiết phải đánh đổi giữa thành công trong sự nghiệp và một cuộc sống cá nhân "nhiều màu sắc?"

Các dự án mở rộng có thể là một công việc trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, cho phép chúng ta tìm hiểu thêm về một lĩnh vực kinh doanh khác. Đó cũng có thể là những trách nhiệm bổ sung giúp chúng ta phát triển thêm những kỹ năng mới. Tham gia vào các dự án mở rộng có thể là đòn bẩy cho những chuyển biến và thăng tiến trong sự nghiệp.

Các nhà điều hành có gia đình trẻ có thể chọn không tham gia các dự án mở rộng vì những dự án này đồng nghĩa với trách nhiệm lớn hơn và khối lượng công việc nặng nề hơn. Họ cũng có thể từ chối những nhiệm vụ đòi hỏi phải di chuyển nhiều hơn, để được ở gần nhà hơn.

‘Bảng điều khiển DJ’

Khi lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình, chúng ta có thể có những giai đoạn tăng tốc và cũng có những giai đoạn chúng ta giảm bớt công việc.

Tại một diễn đàn vào tháng 11/2022, ông Gupta nói rằng một trong những điều ông cảm thấy hối tiếc nhất là thời trẻ ông đã vùi đầu vào công việc mà quên đi những sở thích của mình.

Nhưng vì ông đã có một giai đoạn phát triển sự nghiệp khi còn trẻ, nên người ta không thể không tự hỏi rằng liệu ông Gupta sẽ làm gì bây giờ nếu lúc đó ông ‘chậm lại’ để theo đuổi những thú vui của mình.

Sự thật là những lựa chọn này không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau và chúng ta nên dành thời gian cho những việc quan trọng với bản thân mình. Chúng ta có thể ưu tiên cho công việc và vẫn dành thời gian cho sở thích - ở mức độ ít hơn. Ví dụ như ông Gupta là người rất thích nhắm nhìn chim chóc, nhưng ông ấy chỉ làm việc đó mỗi tháng hai lần.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống không chỉ là vấn đề ‘mùa vụ’ mà còn là việc chúng ta dành vào đó bao nhiêu ‘thời lượng’ và tâm sức. Nó giống như chúng ta có trong tay bảng điều khiển của một anh chàng DJ. Có rất nhiều núm xoay trên đó mà chúng ta có thể lựa chọn tăng lên hoặc giảm xuống.

‘Tăng âm lượng’ cho nghề nghiệp có thể đồng nghĩa với ‘giảm âm lượng’ cho gia đình và những thú vui. Chúng ta có thể bỏ lỡ một bữa tiệc sinh nhật ở chỗ này, hay một buổi biểu diễn ở chỗ kia. Chúng ta có thể phải lùi lại việc đăng ký một lớp học làm bánh…

Có một điều chắc chắn là việc cùng lúc ‘vặn tất cả các núm xoay’ lên mức tối đã sẽ là không bền vững. Cố gắng làm mọi thứ với mọi người sẽ dẫn đến kiệt sức và nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Tranh cãi dữ dội về việc cân bằng công việc và cuộc sống ở Singapore ảnh 3Nhiều người ưu tiên cho trải nghiệm cuộc sống, và công việc với họ là phương tiện để đạt mục đích. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của riêng mình

Công nghệ đã thay đổi thế giới nghề nghiệp nhiều đến mức giờ đây chúng ta có thể tạo ra hình thức cân bằng giữa công việc và cuộc sống của riêng mình.

Có nhiều người ưu tiên cho trải nghiệm cuộc sống, và công việc với họ là phương tiện để đạt mục đích. Chẳng hạn như ‘dân du mục kỹ thuật số’ làm việc từ xa trong lúc họ đang ‘đánh dấu tick’ các mục tiêu du lịch của mình và hòa mình vào một lối sống khác.

Mặc dù không phải ai cũng có thể làm việc trên laptop từ Bali, nhưng nhiều chuyên gia thật sự ‘thèm muốn’ có thể thu xếp làm việc linh hoạt - chìa khóa để họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Ông Tharman cũng bày tỏ quan điểm rằng việc sắp xếp công việc linh hoạt, kết hợp với thời gian làm việc trong tuần ngắn hơn, nên là “chuẩn mực mới” để những người trưởng thành đang đi làm có thể đương đầu với nhiệm vụ chăm sóc [gia đình của họ.]

Tôi đã quyết định rời bỏ môi trường doanh nghiệp khi các con tôi còn nhỏ và lựa chọn làm các công việc ‘part-time’ được gần 20 năm nay. Điều đó đã cho tôi có nhiều quyền kiểm soát hơn với ‘bảng điều khiển’ của mình.

Nhưng việc giữ cân bằng cũng không đơn giản như người ta tưởng. Các DJ làm cho việc này trông có vẻ dễ dàng, nhưng bảng điều khiển của họ cũng cần liên tục được điều chỉnh.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống đòi hỏi phải lập kế hoạch, giao tiếp, đồng cảm và kiên nhẫn. Tôi vẫn đang tiếp tục cố gắng hài hòa giữa công việc, việc nhà và thời gian cho gia đình mình mỗi ngày.

Chúng ta có thể có tất cả không? - Câu trả lời là ‘Có,’ chỉ là không nhất thiết phải đạt được tất cả cùng một lúc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục