Căng thẳng tranh chấp nước mùa khô

“Tranh chấp nguồn nước mùa khô sẽ rất căng thẳng”

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, "cuộc chiến" tranh chấp nguồn nước sẽ còn diễn ra căng thẳng trong mùa khô.
“Tranh chấp nguồn nước mùa khô sẽ rất căng thẳng” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Liên quan đến những tranh chấp từ chuyện đền bù hay không đền bù do xả lũ đến chuyện tranh chấp nguồn nước liên quan thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, vấn đề tranh chấp nguồn nước hiện nay đang rất nóng bỏng.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn như Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4 đều đã được xây dựng từ rất lâu, chủ yếu hướng tới mục tiêu phát điện.

“Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa tại miền Trung hiện nay đều có dung tích nhỏ nên khả năng phòng lũ cho hạ du rất hạn chế. Chính vì lẽ đó, cuộc chiến tranh chấp nguồn nước sẽ diễn ra căng thẳng trong mùa khô,” ông Bẩy dự báo.

Ông Bẩy cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 7.000 hồ chứa, trong đó có 61 hồ chứa lớn. Tuy nhiên, mới chỉ có các công trình như thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà có chức năng phòng lũ cho hạ du.

Trước những mối lo ngại trên, ông Bẩy cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy trình vận hành liên hồ chứa sông Ba, Srepôk, Sêsan, Vu Gia-Thu Bồn. Riêng các lưu vực khác như sông Trà Khúc, sông Hương, sông Mã, sông Cả cũng sẽ xây dựng quy trình vào cuối năm nay.

"Trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn hiện đang có thuỷ điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắk Mi 4, cuối năm nay sẽ có thêm Sông Bung. Do đó, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ giúp điều tiết lợi ích giữa các bên, đặc biệt trong mùa cạn," ông Bẩy nói.

Về việc vận hành liên hồ chứa ở trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cũng như thực trạng lưu vực sông này ngày càng cạn kiệt ảnh hưởng cuộc sống của hơn 1,7 triệu dân ở khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng, ông Bẩy cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cân nhắc rất kỹ lưỡng, bởi sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ đứng trước nguy cơ tiếp tục cạn kiệt nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.

“Chúng tôi đang xem xét quy trình vận hành các nhà máy thủy điện liên quan tới hệ thống sông này như Đăk Mi 4, A Vương, Sông Tranh 2. Sắp tới tổ soạn thảo quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ mời các liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng cùng ngồi lại họp bàn về vấn đề này.

Tiếp đó, tổ soạn thảo sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và cuối cùng Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng để xử lý,” ông Bẩy nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục