Thiết thực chào mừng Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2021), chiều 28/12, tại Nhà Quốc hội, Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các ban, viện, cục, vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội... tham dự Lễ tổng kết.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội.
Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử nước ta, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Trải qua 75 năm, 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
[Chính thức phát động giải báo chí '75 năm Quốc hội Việt Nam']
Trong không khí cùng cả nước chào mừng 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức cuộc thi là hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng sự kiện này.
Đây không chỉ là cuộc thi tìm hiểu mà còn là dịp để giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Quốc hội về ý nghĩa của Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, về truyền thống của Quốc hội Việt Nam.
Sau hơn 4 tháng phát động, cuộc thi Tìm hiểu về 75 năm Quốc hội Việt Nam đã có sức lan tỏa lớn tới cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên Công đoàn các vụ, cục, đơn vị và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, góp phần khơi dậy niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của Quốc hội Việt Nam.
Từ 1.233 bài dự thi, Ban Giám khảo đã chọn ra 6 bài thi xuất sắc tranh tài trong vòng chung kết, thuộc các đơn vị: Công đoàn Vụ Kinh tế; Công đoàn Vụ Thông tin; Công đoàn Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Công đoàn Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử; Công đoàn Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên và Công đoàn Báo Đại biểu nhân dân.
Các thí sinh đại diện cho 6 đơn vị vào vòng chung kết đã tranh tài dưới hai hình thức: trả lời câu hỏi và thi tài năng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành, Trưởng ban Giám khảo cho biết, kết quả chấm thi vòng sơ khảo cho thấy, 100% bài thi trả lời đầy đủ 5 câu hỏi và có nhiều hình ảnh, tư liệu quý hiếm.
Nhiều bài thi có liên hệ thực tiễn, sát với chuyên môn hàng ngày, đề xuất các ý tưởng mới trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều bài dự thi được chuẩn bị công phu, nội dung độc đáo, thể hiện những thành tựu, đóng góp của Quốc hội Việt Nam và những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới.
Các thí sinh được chọn vào vòng chung kết đã thể hiện phần thuyết trình và tài năng xuất sắc.
Đặc biệt, phần thi năng khiếu được dàn dựng công phu, sâu sắc, ý nghĩa, có chất lượng nghệ thuật cao, từ câu chuyện đi bầu cử tại Quốc hội khóa I, buổi tiếp công dân lắng đọng nhiều giá trị về quyền con người, quyền công dân; điệu ví dặm sâu lắng, đến những giai điệu hào hùng ca ngợi Tổ quốc...
Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trung thực, Ban Tổ chức đã trao 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba cho các thí sinh xuất sắc.
Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao 10 giải Khuyến khích cho 10 đoàn viên trực thuộc Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội và 6 giải chuyên đề cho các cá nhân tích cực tham gia cuộc thi./.