Treo chỉ tiêu tuyển sinh các trường kém chất lượng

Phòng học cấp 4 tạm bợ, khuôn viên chật hẹp, thiết bị dạy học thiếu… là nguyên nhân để 14 trường THPT dân lập bị "treo" chỉ tiêu.
Phòng học cấp 4 tạm bợ, khuôn viên trường chật hẹp, thiết bị dạy học thiếu… là thực trạng của không ít trường trung học phổ thông ngoài công lập của Hà Nội. Đây là những nguyên nhân chính khiến 14 trường trung học phổ thông dân lập đang bị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội “treo” chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2010-2011. Phòng học không đạt 50% tiêu chuẩn Trường Trung học phổ thông Dân lập (THPT DL) Hà Nội có 8 phòng học tại cơ sở Thanh Xuân, Hà Nội. Diện tích phòng học rất chật hẹp, mỗi phòng chỉ đủ kê hai dãy bàn sát hai bên tường, ở giữa là lối đi với bề rộng chưa đến một mét, trông giống như các "lò" luyện thi. Bàn học xếp sát nhau mới đủ sức chứa cho khoảng 40 học sinh mỗi lớp. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quy định tiêu chuẩn kích thước phòng học là 50m2. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của Sở cho thấy, trong số 8 phòng này, có hai phòng diện tích chỉ 24 m2, chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Sáu phòng còn lại lớn hơn nhưng diện tích mỗi phòng cũng chỉ đạt 32m2. Hiệu trưởng Nguyễn Hà Động cho biết, cơ sở vật chất không đảm bảo do trường mới chuyển địa điểm. Trước đó, trường hoạt động tại trường Đại học Văn hóa. Vì Đại học Văn hóa cần lấy lại địa điểm để đào tạo hệ cao đẳng nên tháng 9/2009, trường phải thuê địa điểm khác. Cơ sở mới này của trường vẫn chưa có quyết định chấp thuận của quận Thanh Xuân. “Phòng chật hẹp nên từ khóa mới, chúng tôi sẽ giảm số lượng học sinh từ trên 40 em xuống khoảng 30 – 35 học sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo,” ông Động phân trần. Đây cũng là thực trạng của Trường Quốc tế Horizion. Mặc dù là trường có vốn đầu tư nước ngoài nhưng cả 9 phòng học của trường đều không đủ tiêu chuẩn. Trường THPT DL Lê Hồng Phong sau 12 năm hoạt động cũng chỉ có 3 phòng học. Các phòng này đều là cấp 4, không đáp ứng yêu cầu xóa phòng học cấp 4 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Một số trường còn cải tạo từ nhà ở, nhà kho, hợp tác xã, nhà văn hóa thành phòng học. Đụng đâu thiếu đó Không chỉ điều kiện trường lớp không đảm bảo, các trường này còn thiếu sót đủ bề, từ trang thiết bị giảng dạy tối thiểu, thiếu sân chơi bãi tập, công trình vệ sinh, nước sạch, phòng học bộ môn đến việc thực hiện các yêu cầu về ba công khai (gồm công khai điều kiện giảng dạy, chất lượng giáo dục và thu chi tài chính). Theo yêu cầu về thiết bị đồ dùng học tập của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2009-2010, hầu hết các trường đều có hợp đồng và cam kết mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học theo quy định tối thiểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đến tháng 3/2010, dù đã gần hết năm học nhưng rất nhiều trường vẫn chưa thực hiện cam kết này, nhất là thiết bị giáo dục quốc phòng. Vấn đề ba công khai còn nan giải hơn khi hoạt động này ở hầu hết các trường đều chưa đạt yêu cầu cả về chất lượng nội dung và hình thức. Chẳng hạn, Trường Quốc tế Horizion chưa công khai bất cứ nội dung nào, các trường THPT DL Phùng Khắc Khoan (Sóc Sơn), THPT DL Nguyễn Trực… chưa báo cáo thu chi tài chính định kỳ với Sở. Theo quy định, các trường ngoài công lập đều phải có hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nhiều trường như THPT Lê Hồng Phong, Trường Quốc tế Horizion… đều không có. Các tổ chức như Đảng, Đoàn, công đoàn cũng vắng bóng trong các trường này. Thậm chí, Trường Quốc tế Horizion còn thiếu cả hiệu trưởng, các hiệu phó do đơn vị đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Song ngữ Quốc tế Horizion tự phong. Trường THPT DL Lê Hồng Phong thành lập từ năm 1998, hiệu trưởng có quyết định công nhận cũng từ năm 1998 (trong khi quy định thời hạn công nhận hiệu trưởng là 5 năm), không có hiệu phó. Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết định tạm dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011 của 14 trường THPT đồng thời yêu cầu các trường này phải hoàn thiện những yếu tố còn thiếu và báo cáo về Sở trước ngày 31/5/2010.
Danh sách 14 trường bị "treo" chỉ tiêu tuyển sinh

 1- Trường THPT DL Nguyễn Đình Chiểu: Thiếu thiết bị dạy học và thiết bị giáo dục quốc phòng; cơ sở vật chất chưa đảm bảo.

2- Trường THPT DL EINSTEIN: Cơ sở vật chất không đủ điều kiện tuyển sinh. Thiết bị dạy học và máy vi tính còn thiếu.

3- Trường THPT DL Hà Nội: Thay đổi địa điểm hoạt động; cơ sở vật chất chưa đảm bảo; thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.


4- Trường THPT DL Phan Chu Trinh: Thay đổi địa điểm hoạt động; cơ sở vật chất chưa đảm bảo.


5- Trường THPT DL Lê Hồng Phong: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo; thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.


6- Trường THPT DL Hoàng Long: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo; chưa có hội đồng quản trị; thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.


7- Trường THPT DL Lê Ngọc Hân - Gia Lâm: Thiếu thiết bị dạy học; cơ sở vật chất chưa đảm bảo; thiếu sân chơi bãi tập.


8- Trường THPT Xuân Thủy: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.


9- Trường phổ thông quốc tế Phú Châu: Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học, các bộ môn.


10- Trường THPT Xa La: Thiếu hợp đồng thuê mượn địa điểm và cơ sở vật chất; thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.

11- Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Mỹ Đức: Cơ sở vật chất xuống cấp không đảm bảo, còn thiếu thiết bị dạy học và giáo dục quốc phòng.


12- Trường THPT DL Đông Nam Á - Quốc Oai: Không thực hiện báo cáo tuyển sinh theo quy định.


13- Trường THPT DL Nguyễn Du: Thay đổi địa điểm hoạt động; cơ sở vật chất chưa đảm bảo.


14- Trường Quốc tế Horizion: Cơ cấu tổ chức bộ máy chưa được thành phố công nhận./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục