Triển lãm cầu nối hình ảnh Canon kết nối thanh niên châu Á

Triển lãm trong khuôn khổ dự án “Hình ảnh - điểm sáng của hy vọng” của Canon kết nối học sinh ở 10 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Triển lãm cầu nối hình ảnh Canon kết nối thanh niên châu Á ảnh 1(Nguồn: Canon)

Triển lãm ảnh “Cầu nối hình ảnh Canon kết nối thanh niên châu Á” đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 24-27/12.

Với chủ đề “Gửi tình bè bạn bằng hình ảnh đi khắp châu Á”, triển lãm trưng bày 133 bức ảnh, chia thành 8 nhóm nước. Nhờ những bức ảnh này, trẻ em dù ở nơi nào cũng có thể giao tiếp được với nhau bằng ngôn ngữ thông tin.

“Cầu nối hình ảnh Canon” là chủ đề mới của năm 2013 sau 5 năm thực hiện dự án có chủ đề “Hình ảnh - điểm sáng của hy vọng.”

Từ khi được phát động vào năm 2008, dự án mang tính cộng đồng này đã bắc "cây cầu" giao lưu giữa 134 trường học tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á.

Hơn 4.200 học sinh đã tham gia hoạt động này, thu thập được 10.754 bức ảnh, đồng thời lôi cuốn sự tham gia của 1.850 tình nguyện viên với tổng thời gian hoạt động lên tới 19.800 giờ, tương đương 2.475 ngày làm việc.

Gian triển lãm của mỗi nước đều được trình bày theo chủ đề riêng. Trẻ em Trung Quốc lấy lịch sử và văn hóa đất nước làm trọng tâm, trẻ em Philippines tập trung truyền tải các giá trị văn hóa trong khi trẻ em Malaysia thể hiện sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Trẻ em Ấn Độ, qua triển lãm ảnh này đã chứng tỏ tình đồng đội trong cuộc sống ở ngôi làng nhỏ ven biển, với những điều kiện địa lý hết sức đặc biệt. Trẻ em Thái Lan thì dùng các bức ảnh để thể hiện một nét khác lạ của Ngày của Mẹ, trong khi trẻ em Singapore chứng tỏ được mình là những tình nguyện viên nhỏ tuổi.

Nếu trẻ em Việt Nam lấy ý tưởng là tình yêu thương bao la thì trẻ em Nhật Bản chụp các vườn ươm cây trồng cho một dự án môi trường.

Yang Liandi là tình nguyện viện đến từ Burma, cô đã tham gia các hoạt động tình nguyện của dự án “Cầu nối hình ảnh Canon” do công ty Canon (Trung Quốc) tổ chức hai lần trong năm 2013.

Cô đã kể về văn hóa, lịch sử và phong tục của Burma cho các học sinh Trường Canon Hope Primary ở Dongjia Port (Tianjin) và Trường Sanitun Primary ở Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên cô đi bộ đến Trường Canon Hope Primary, và cô cho rằng đây thực sự là công việc hữu ích khi đang theo học ở Trung Quốc.

Lu Jie là Giám đốc quản lý bộ phận thông tin của công ty Canon (Trung Quốc), cũng là người chịu trách nhiệm về công tác xã hội của Canon và đặc biệt là đồng sáng lập dự án “Cầu nối hình ảnh Canon.”

Lý giải về ý định ban đầu của dự án, Lu Jie cho biết: “Chụp ảnh là một cách thức để xây dựng cây cầu thông tin, cho phép trẻ vị thành niên của nhiều nước trao đổi, giao lưu với nhau. Các bức ảnh có thể giúp các em gửi cho nhau những cảm nhận, cảm nghĩ của mình mà không lo bị ảnh hưởng bởi rào cản ngôn ngữ. Và khi các bức ảnh đó mang cảm xúc thật của các em gửi tới bạn bè, chúng đã mở ra cánh cửa giúp các em hiểu biết hơn về đời sống của trẻ em các nước khác. Vì thế mà hình thức thông tin có độ tin cậy cao và mang tính hữu nghị này ra đời.”

Yang Xiaoyu, Tổng thư ký Quỹ Phát triển thanh niên Trung Quốc, đã nêu bật những mặt tích cực của dự án “Cầu nối hình ảnh Canon” và cho rằng việc triển khai quỹ phúc lợi bằng hình ảnh là một lợi thế của Canon, hãng công nghệ và sản xuất ảnh hàng đầu thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục