Triển vọng đạt bước đột phá trong hợp tác quốc phòng Nga-Ai Cập

Quan hệ giữa Nga và Ai Cập trong lĩnh vực quân sự đang ngày càng mật thiết. Điều này được chứng minh qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên của lãnh đạo quân sự-chính trị của hai nước.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: nationalinterest.org)
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: nationalinterest.org)

Theo Báo Độc lập, quan hệ giữa Nga và Ai Cập trong lĩnh vực quân sự đang ngày càng mật thiết. Điều này được chứng minh qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên của lãnh đạo quân sự-chính trị của hai nước.

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến Cairo, nơi ông dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc họp lần thứ sáu Ủy ban Nga-Ai Cập về hợp tác kỹ thuật quân sự. Chi tiết các thỏa thuận vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, rõ ràng không thể đoán trước các hợp đồng đột phá trong việc mua sắm vũ khí của Cairo.

Năm 2014, sau khi ông Abdel Fattah al-Sisi lên giữ chức Tổng thống Ai Cập, Moskva và Cairo đã ký một gói hợp đồng lớn về hợp tác kỹ thuật quân sự với trị giá 3,5 tỷ USD. Kể từ đó, Nga đã cung cấp cho Ai Cập 3 sư đoàn tên lửa phòng không Antei 2500, vài chục máy bay chiến đấu MiG-29, trực thăng tấn công Ka 52 Alligator, cũng như các vũ khí khác.

Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, việc ký kết hợp đồng được phê chuẩn trước đây để cung cấp trực thăng Ka 52K Katran cho Ai Cập, trang bị cho các tàu sân bay chở trực thăng Mistral mà họ mua của Pháp, vẫn không tiến triển. Truyền thông đã bình luận về các chủ đề liên quan đến việc Moskva sẵn sàng cung cấp cho Ai Cập tiêm kích đa năng Su-35.

Ngay cả tổng giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD của hợp đồng cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, sau thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc áp dụng lệnh trừng phạt Ai Cập liên quan đến việc Cairo mua Su-35, dự án này đã bị trì hoãn.

[Khoảnh khắc tên lửa Nga, Ai Cập bắn nổ tung "máy bay phương Tây"]

Tại cuộc hội đàm ở Sochi với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10/2019, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã nói: “Chúng tôi rất quan tâm đến các quan hệ trong lĩnh vực quân sự. Chúng tôi coi Nga là đối tác truyền thống của chúng tôi trong hợp tác kỹ thuật quân sự trong nhiều thập kỷ.”

Sự quan tâm này là dễ hiểu. Theo truyền thống, Ai Cập có mối quan hệ kỹ thuật quân sự hiệu quả với Liên Xô trong những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Vũ khí tương đối rẻ và đáng tin cậy của Liên Xô và Nga vẫn có giá trị với quân đội Ai Cập.

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, cũng như đầu những năm 2000, Ai Cập chủ yếu mua vũ khí của Mỹ. Giờ đây, với việc ông al-Sisi trở lại nắm quyền, Cairo lại hướng đến mối quan hệ mật thiết với Moskva. Năm 2018, nguyên thủ quốc gia hai nước đã ký Thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, được Nga phê chuẩn tháng 8/2019.

Ghi chú giải thích trong văn kiện trên lưu ý: "Các bên phối hợp hành động và hợp lực để đạt được các giải pháp chung, nhằm vượt qua các thách thức và mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế." Văn kiện cũng đề cập đến việc hai bên "ủng hộ phát triển hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quân sự và kỹ thuật quân sự."

Do đó, bất chấp những khó khăn liên quan đến sự phản đối của Mỹ, Moskva và Cairo vẫn tiếp tục hợp tác chiến lược, điều ảnh hưởng không nhỏ đến các vấn đề quốc phòng và an ninh.

Và đánh giá theo bản chất của quan hệ Nga-Ai Cập hiện nay, Moskva không chỉ tập trung vào hợp tác kỹ thuật quân sự trong quan hệ với Cairo, mà còn thực hiện các lợi ích địa chính trị và quân sự chung ở Trung Đông và Bắc Phi. Điều này đã được đề cập đến tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga và Tổng thống Ai Cập.

“Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng hỗ trợ để tăng cường lực lượng vũ trang và khả năng phòng vệ quốc gia cho Ai Cập,” ông Shoigu nói trong cuộc gặp với Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi. Đồng thời, ông nhấn mạnh vai trò của cá nhân Tổng thống Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông và Bắc Phi.

Ông Shoigu cho rằng sự gần gũi trong các giải pháp giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực quan trọng, cho phép hai nước "hợp lực vì lợi ích của việc thiết lập và củng cố trật tự thế giới công bằng, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau."

Báo Độc lập dẫn lời chuyên gia quân sự Đại tá Shamil Gareev bình luận: “Sự hỗ trợ của Nga trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ai Cập chủ yếu liên quan đến việc chuyển giao kinh nghiệm chiến đấu và huấn luyện quân đội Ai Cập chiến thuật đấu tranh vũ trang chống lại các nhóm khủng bố. Thật tiếc là các nhóm như vậy vẫn hiện diện trên lãnh thổ Bán đảo Sinai. Và Liên bang Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó ở Syria.”

Ông Gareev lưu ý hồi đầu tháng 11/2019 rằng “nhóm khủng bố Hồi giáo Vilayat Sinai, chi nhánh tại Ai Cập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đã tuyên thệ với thủ lĩnh mới của IS, Abu Ibrahim al Hashimi al-Quraishi.” Chính quyền Ai Cập cho biết, "trong tháng vừa qua, 83 chiến binh IS đã bị tiêu diệt trên bán đảo Sinai và 61 chiến binh khác đã bị bắt giữ."

Chuyên gia trên cũng lưu ý rằng, “hoạt động chống khủng bố ở Sinai bắt đầu từ mùa Hè năm 2013. Điều này diễn ra sau khi Tổng thống Hồi giáo Muhammad Mursi bị lật đổ. Kể từ đó, hàng trăm cảnh sát và binh sỹ đã thiệt mạng trong chiến sự, và hàng ngàn chiến binh đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, Chính quyền không thể thiết lập quyền kiểm soát tại bán đảo.”

Về vấn đề này, điều quan trọng là tổ chức ở Ai Cập một cuộc chiến hiệu quả chống lại các chiến binh IS. Đó là lý do Bộ Quốc phòng Nga, cùng với Bộ Quốc phòng Ai Cập, giúp tổ chức các cuộc tập trận quân sự, trong đó đào tạo binh sỹ Ai Cập vận dụng kinh nghiệm chiến đấu Syria của Liên bang Nga.

Chuyên gia quân sự, Trung tướng Yuri Netkachev, lưu ý rằng chỉ cách đây vài ngày tại Ai Cập đã kết thúc cuộc tập trận giữa lực lượng phòng không hai nước mang tên “Mũi tên Hữu nghị - 2019.”

Ông nói: “Đây là cuộc tập trận đầu tiên trong lịch sử quân sự đương đại của Nga và Ai Cập. Chúng giúp hình thành các nhóm chiến đấu trong các hệ thống phòng không. Những nhóm này được huấn luyện để bắn trúng các mục tiêu trên không, kể cả những mục tiêu được IS sử dụng nhằm vào căn cứ quân sự Hmeimim của Nga.”

Hai tháng trước thời điểm này, tại Nga, các đơn vị lính dù Liên bang Nga đã huấn luyện lính dù Ai Cập trong cuộc tập trận chiến thuật "Người bảo vệ tình hữu nghị - 2019."

Theo Bộ Quốc phòng Nga, trong cuộc tập trận, các binh sĩ đã thực hiện các hoạt động chung để giải phóng sân bay dã chiến bị những kẻ khủng bố chiếm giữ, tiêu diệt hai nhóm và đàn áp một nhóm vũ trang bất hợp pháp lớn.

Chỉ huy lực lượng dù của lực lượng vũ trang Ai Cập, Thiếu tướng Mukhrez Abdel Wahab cho biết, cuộc tập trận chiến thuật quốc tế tiếp theo "Người bảo vệ Hữu nghị 2020" sẽ được tổ chức tại Ai Cập./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục