Triển vọng phục hồi kinh tế ASEAN và cách tiếp cận mới của Singapore

Với tư cách là một trung tâm khu vực, Singapore ở vị trí thuận lợi để vừa gặt hái lợi ích vừa có những đóng góp chung, do đó, Singapore nên gia tăng nỗ lực cung cấp vaccine và trợ giúp cho các nước.
Triển vọng phục hồi kinh tế ASEAN và cách tiếp cận mới của Singapore ảnh 1Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên báo The Straits Times, Singapore cần tiếp cận khu vực với cách nhìn mới, khám phá những hình thức đối tác mới và tạo điều kiện cho sự phát triển của Đông Nam Á khi nước này phục hồi khỏi dịch bệnh.

Những lời kêu gọi nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được đưa ra khi Singapore hướng tới mở cửa nền kinh tế và tái thiết lập nước này như một trung tâm kinh tế then chốt của khu vực. Điều này diễn ra vào thời điểm tâm lý tích cực về sự phục hồi kinh tế của Singapore đang dâng cao.

Khảo sát Triển vọng CEO 2021 của công ty kiểm toán KPMG Singapore cho thấy 92% giám đốc điều hành tham gia khảo sát tỏ ra tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Đảo quốc Sư tử.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này của Chính phủ và một số công ty lớn hơn có nguy cơ "không được lắng nghe" vì một vài lý do. Thứ nhất, không phải tất cả mọi người sẽ nhận thấy điều mới mẻ hay khác biệt trong những lời kêu gọi hướng đến khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Singapore đã thâm nhập khu vực, đặc biệt nhiều công ty đa quốc gia đã đặt trụ sở nước này. Những dòng đầu tư lớn nhất vào các nền kinh tế then chốt của ASEAN, như Việt Nam và Indonesia, xuất phát từ Singapore.

Thứ hai, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 hiện nay trên khắp khu vực gây lo ngại. Ngoài khủng hoảng y tế, tốc độ tăng trưởng trong năm nay của tất cả các nước thành viên ASEAN đều bị cắt giảm.

Dù vậy, nếu nhìn xa hơn những lo ngại về dịch bệnh hiện nay, ASEAN vẫn chứng kiến những động lực tích cực đang xuất hiện.

Vượt qua những làn sóng dịch bệnh

 Có những dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của các đợt bùng phát COVID-19 có thể đã qua đi và các nền kinh tế đang trở lại con đường tăng trưởng. Bên ngoài Singapore, điều này thể hiện rõ ràng nhất ở quốc gia Malaysia láng giềng, nơi tỷ lệ tiêm vaccine ở người lớn đạt hơn 80%.

Các quốc gia khác trong ASEAN cũng đang thử nghiệm kế hoạch mở cửa, như việc Thái Lan thử nghiệm cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine đến đảo du lịch Phuket, và Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội ở các khu vực đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp. Điều đó cho thấy các chính phủ ASEAN đang tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Khi tỷ lệ tiêm phòng gia tăng và nền kinh tế mở cửa trở lại một cách tích cực, triển vọng dự kiến sẽ tốt đẹp hơn.

Những điều kiện bên ngoài khu vực cũng mang tính hỗ trợ. Việc Mỹ và châu Âu mở cửa trở lại đã đem lại sự khích lệ rõ ràng và ngay lập tức cho tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc, trong khi vẫn chưa hết lo ngại về COVID-19, dự kiến đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ trong năm nay với 8,5%. Sự gia tăng về nhu cầu toàn cầu sẽ đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của ASEAN, đặc biệt là cho các lĩnh vực hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu ở Việt Nam và các nước khác.

Một nhân tố khác có tiềm năng hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của ASEAN là cạnh tranh Mỹ-Trung. Đối đầu nước lớn vẫn là mối lo ngại nhưng lại có thể giúp thúc đẩy hoạt động cung cấp vaccine và các trợ giúp khác.

Với tư cách là một trung tâm khu vực, Singapore ở vị trí thuận lợi để vừa gặt hái được lợi ích vừa có những đóng góp chung. Singapore nên gia tăng nỗ lực cung cấp vaccine và những trợ giúp cho các nước khác.

Khi tình hình cải thiện và ổn định, Singapore nên chuẩn bị mở cửa biên giới cho các nước láng giềng trong thời gian ngắn và trung hạn. Hơn nữa, vai trò kinh tế của Singapore có thể tiến xa hơn những gì mà nước này đã đạt được trước khi dịch bệnh bùng phát.

Nhu cầu mới, sự can dự mới

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong tháng trước đã kêu gọi "cần không ngừng nỗ lực để tăng cường sự hội nhập kinh tế khu vực, duy trì thương mại tự do và mở với các đối tác khu vực và toàn cầu của chúng ta… để giúp chúng ta phục hồi từ dịch bệnh và tăng trưởng trong tương lai."

Đặc biệt, ông Gan Kim Yong đã nhấn mạnh các cơ hội trong nền kinh tế số và phát triển bền vững, bên cạnh các nhu cầu khác như tài chính và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kinh tế số và phát triển bền vững đều là những yếu tố bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Singapore có nền tảng tốt trong cả hai vấn đề này và có thể giúp phát triển năng lực của khu vực.

Để nền kinh tế số ASEAN phát triển mạnh mẽ, cách tốt nhất là tích hợp các chính sách, quy định và tiêu chuẩn chung, thúc đẩy tương tác xuyên biên giới. Tương tự, cần hợp tác triển khai các sáng kiến hành động về khí hậu để đạt được hiệu quả nhất trên quy mô khu vực. Giữa các nước ASEAN có sự bổ sung đáng kể về vốn, nguồn nhân lực và vật lực để biến điều này thành hiện thực.

Những nỗ lực này có thể được thực hiện song song với những tham vọng của các nước đang tìm cách tăng cường chuỗi giá trị kinh tế, như Indonesia và Việt Nam. Các loại hình quan hệ đối tác mới có thể tạo điều kiện cho các nước này thu hút đầu tư và tập hợp các chuỗi cung ứng toàn cầu trong ASEAN về lâu dài.

[Singapore đã sẵn sàng bước vào lộ trình "bình thường mới"?]

Để Singapore đạt được hiệu quả trong vấn đề này, Đảo quốc Sư tử cần thực hiện các cách tiếp cận và hình thức đối tác mới. Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Desmond Lee cho rằng: "Bên cạnh việc thiết lập các mối liên kết trực tiếp và kỹ thuật số, chúng ta cần tìm ra những cách thức mới hữu ích đối với khu vực, và tạo dựng các mối quan hệ đối tác cùng thắng với các nước láng giềng… ở tất cả các cấp độ, trong đó có cấp doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa người dân với người dân."

Singapore là trung tâm khu vực của nhiều công ty đa quốc gia, trong đó có cả những "người khổng lồ" công nghệ của Mỹ và Trung Quốc. Khu vực Đông Nam Á thiếu hụt những lao động có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tương lai, cả trong nghiên cứu kỹ thuật tiên tiến lẫn trong đào tạo nghề. Các viện giáo dục và lĩnh vực công nghệ giáo dục của Singapore có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc nâng cao các kỹ năng trực tuyến và trực tiếp cho ASEAN, giúp xây dựng một đội ngũ nhân tài khu vực.

Chính phủ Singapore có thể giúp đưa ra những định hướng, song những nỗ lực do chính phủ dẫn dắt phải được bổ sung bởi các mối quan hệ đối tác công-tư. Ngược lại, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò đưa ra sáng kiến và sau đó được chính phủ hỗ trợ. Các liên minh hành động của Singapore là một ví dụ.

Một hình thức hợp tác khác cần được khuyến khích hơn nữa là giữa các công ty đa quốc gia nước ngoài đặt trụ sở tại Singapore và các công ty nước này. Các liên doanh giữa các công ty Singapore và các công ty đa quốc gia nên được thúc đẩy để thử nghiệm các cách tiếp cận và sản phẩm sáng tạo trước khi đưa chúng vào khu vực ASEAN. ASEAN cần được xem xét không chỉ là một địa điểm, thị trường hay nền tảng, mà còn mang tầm chiến lược khu vực.

Cách tiếp cận mới, không chỉ tập trung vào câu hỏi "ở đâu" và "làm gì" mà còn là những cách thức Singapore có thể hợp tác, hỗ trợ và đóng góp nỗ lực, bên cạnh cách thức đầu tư tài chính truyền thống. Trong bối cảnh dịch bùng phát, một chính sách khu vực và bộ chiến lược kinh doanh mới có thể xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục