Triển vọng tích cực của dầu thô Mỹ sau thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Theo thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong 2 năm tới, trong đó Bắc Kinh sẽ dành ít nhất 52,4 tỷ USD mua sản phẩm năng lượng từ Mỹ.
Triển vọng tích cực của dầu thô Mỹ sau thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Một nhà máy lọc dầu ở gần Corpus Christi, bang Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng Một công bố ngày 14/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) nhận định sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt trung bình tương ứng 13,3 triệu thùng/ngày và 13,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020 và năm 2021, so với mức 12,2 triệu thùng/ngày của năm 2019.

Theo EIA, Mỹ sẽ là nước xuất khẩu ròng tổng khối lượng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ 0,8 triệu thùng/ngày trong năm 2020 và 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Lượng nhập khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Mỹ đã giảm từ mức trung bình 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2018 xuống 0,5 triệu thùng/ngày trong năm 2019. EIA ước tính Mỹ đã xuất khẩu ròng dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ kể từ tháng 9/2019.

Bên cạnh đó, theo các nhà quan sát, quản lý cấp cao và nhà giao dịch, xuất khẩu các mặt hàng năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc, chủ yếu là dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), sẽ tăng lên sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai bên đã ký kết tại Nhà Trắng vào ngày 15/1 (rạng sáng 16/1 theo giờ Việt Nam), Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới, trong đó giới quan sát chú ý tới thông tin Bắc Kinh sẽ dành ít nhất 52,4 tỷ USD để mua sản phẩm năng lượng từ Mỹ vào cùng giai đoạn.

Con số trên tương đương mức tăng 18,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,9 tỷ USD vào năm sau đó. Để so sánh, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ 9,1 tỷ USD hàng hóa năng lượng vào năm 2017.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs cho biết, cam kết trên có thể đồng nghĩa Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô lên 500.000 thùng/ngày trong năm 2020 và 800.000 thùng/ngày vào năm 2021.

Ngân hàng này cũng nhận định Trung Quốc có thể nhập khẩu tới 10 triệu tấn LNG trong năm nay và 15 triệu tấn trong năm sau, với tổng trị giá đạt 38,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý rằng yếu tố nhu cầu, giá cả và chi phí vận chuyển sẽ quyết định liệu mức xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm tới có chạm mốc 52,4 tỷ USD hay không.

Ông Sandy Fielden, một nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty dịch vụ tài chính Morningstar, nói rằng do thỏa thuận thương mại giai đoạn một không hề đề cập tới hạn ngạch mua bán cụ thể, mọi thứ còn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, Washington và Bắc Kinh sẽ vẫn duy trì thuế quan áp lên nhiều sản phẩm của nhau, bao gồm cả LNG. Trung Quốc hiện đang áp mức thuế 25% đối với LNG nhập khẩu, qua đó “chặn đứng” hầu hết các hoạt động giao dịch mặt hàng này với Mỹ.

Theo ông Charlie Riedl, Giám đốc điều hành của hội đoàn thương mại Center for LNG, Trung Quốc sẽ phải hoặc miễn trừ thuế quan hiện đang áp dụng đối với LNG hoặc dỡ bỏ chúng trước khi LNG của Mỹ thực sự vào được thị trường này với khối lượng đủ lớn.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics cũng nói rằng việc thu mua theo thỏa thuận sẽ yêu cầu Trung Quốc mua một lượng LNG rất lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc hiện chưa được trang bị để xử lý loại dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ.

Theo các số liệu thống kê chính thức, tỷ trọng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tổng khối lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã giảm từ mức hơn 20% ghi nhận trong nửa đầu năm 2018 xuống còn gần 6% trong nửa đầu năm 2019.

Trong năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu lượng dầu thô trị giá khoảng 5,4 tỷ USD sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giá trị của những lô hàng này đã giảm xuống chỉ còn 2,6 tỷ USD tính đến tháng 10/2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục