Triển vọng xây dựng 'Sức mạnh Siberia-3' bán khí đốt cho Trung Quốc

Nếu tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thành công trong việc phát triển mỏ Yuzhno-Kirinskoye thì sẽ không phải lo lắng về lượng khí đốt cung cấp cho dự án "Sức mạnh Siberia-3" ở Viễn Đông.
Triển vọng xây dựng 'Sức mạnh Siberia-3' bán khí đốt cho Trung Quốc ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo báo Vzglyad, lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh đã được đánh dấu bằng việc Nga và Trung Quốc ký kết hợp đồng khí đốt mới, theo đó tuyến đường ống dẫn khí đốt Viễn Đông “Sức mạnh Siberia-3” sẽ được xây dựng một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào tập đoàn độc quyền khí đốt Gazprom của Nga có thể thực hiện điều này để vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ? Triển vọng nào cho dự án "Sức mạnh Siberia-2" lớn hơn - dự án vẫn đang chờ ký hợp đồng?

Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một hợp đồng dài hạn về việc mua bán khí đốt tự nhiên qua tuyến Viễn Đông.

Sau khi dự án đạt công suất đầy đủ, khối lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc qua các tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga sẽ tăng thêm 10 tỷ m3 và tổng cộng sẽ đạt 48 tỷ m3/năm, kể cả nguồn cung qua tuyến đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia-1."

Dự án Viễn Đông là dự án đường ống dẫn khí đốt thứ ba từ Nga sang Trung Quốc. Dự án đầu tiên - "Sức mạnh Siberia-1" - đã được thực hiện. Bản hợp đồng lịch sử có thời hạn 30 năm được ký năm 2014. Khí đốt qua đường ống đầu tiên của Nga cung cấp cho Trung Quốc bắt đầu năm 2019. Tuy nhiên, tuyến đường ống vẫn chưa đạt hết công suất 38 tỷ m3/năm. Hợp đồng quy định sẽ tăng nguồn cung theo từng giai đoạn.

Giai đoạn tiếp theo là dự án thứ hai - tuyến “Sức mạnh Siberia-2” (ban đầu là Altai). Tuyến đường ống này đã thay đổi nhiều lần. Quyết định cuối cùng được đưa ra là tuyến này sẽ đi qua Mông Cổ. Đoạn đường ống mà "Sức mạnh Siberia-2" đi qua Mông Cổ được gọi là “Liên hợp Vostok."

Tháng 1/2022, việc soạn thảo nghiên cứu khả thi cho dự án đã hoàn tất. Công suất của tuyến đường ống này là 50 tỷ m3 khí đốt/năm. Tuy nhiên, hợp đồng với Trung Quốc về dự án này vẫn chưa được ký kết.

Ban đầu, Nga coi tuyến đường ống tới Trung Quốc này là có triển vọng và là tuyến đường chính, song nó dự kiến sẽ là tuyến cuối cùng trong số 3 dự án được triển khai.

"Sức mạnh Siberia-3" là tuyến cung cấp Viễn Đông, cùng với hợp đồng được ký kết khi khai mạc Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh. Tất nhiên, hợp đồng này cũng rất quan trọng đối với Gazprom và đối với tăng trưởng doanh thu khí đốt của Nga. Tuy nhiên, quy mô của nó khiêm tốn hơn so với việc bán 50 tỷ m3 mỗi năm qua "Sức mạnh Siberia-2" cho Mông Cổ. Tuyến Viễn Đông có thể bán được tối đa 10 tỷ m3.

Giám đốc điều hành Gazprom, ông Alexei Miller, nói: “Việc ký kết hợp đồng cung cấp khí đốt thứ hai của Nga cho Trung Quốc là minh chứng cho sự tin cậy lẫn nhau và quan hệ đối tác ở mức cao nhất giữa hai nước và các công ty của chúng ta. Đối tác Trung Quốc của chúng tôi (CNPC) đã khẳng định rằng Gazprom là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy."

Tại sao hợp đồng được ký cho "Sức mạnh Siberia-3" chứ không phải "Sức mạnh Siberia-2"?

Trước tiên, đó là tuyến có lộ trình vận chuyển ngắn.

Thứ hai, nó đòi hỏi tương đối ít công việc để thực hiện dự án. Ông Igor Yushkov, chuyên gia tại trường Đại học tổng hợp Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, nói: “Đường ống dẫn khí đốt Sakhalin-Khabarovsk-Vladivostok tồn tại để cung cấp khí đốt tự nhiên cho tỉnh Primorye của Nga. Chỉ cần vài chục km để đến biên giới với Trung Quốc”. Tuy nhiên, chính xác tuyến đường ống sẽ bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu trên lãnh thổ Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng.

Thứ ba, đối với giai đoạn đầu cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống này, Gazprom sử dụng mỏ Kirinskoye đã phát triển. Hiện mỏ này đang khai thác khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm để cung cấp khí đốt cho tỉnh Primorskye, nhưng khối lượng khai thác có thể tăng lên 5 tỷ m3. Khối lượng này đủ để lấp đầy tuyến đường ống lúc đầu. Nhiều khả năng hợp đồng cung cấp sẽ từng bước tăng khối lượng giao hàng lên tối đa 10 tỷ m3 (chương trình tương tự đã áp dụng cho Sức mạnh Siberia-1).

Tuy nhiên, sau đó Gazprom sẽ cần phát triển mỏ Yuzhno-Kirinskoye và xây dựng một trạm bơm khí thứ hai (để tăng áp suất trong đường ống và lưu lượng của đường ống). Chỉ khi đó, Gazprom mới có thể đạt được đầy tải đường ống Viễn Đông 10 tỷ m3. Và từ đây bắt đầu xuất hiện những khó khăn.

[Tập đoàn dầu khí Gazprom tăng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc]

Chuyên gia Yushkov nói: “Đã có kế hoạch phát triển mỏ Yuzhno-Kirinskoye thông qua các khối khai thác tự động dưới nước của Mỹ. Tuy nhiên, năm 2015, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đặc biệt đối với lĩnh vực này. Đây là trường hợp cá biệt vì cả trước và sau đó, Mỹ chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt theo ngành và đối với các doanh nghiệp, chứ không áp dụng đối với các lĩnh vực cụ thể. Mỏ ở Kirinskoye đã kịp nhận được thiết bị của Mỹ."

Để thực hiện hợp đồng đã ký, Gazprom cần khai thác tại mỏ Yuzhno-Kirinskoye. Tuy nhiên, có thể làm điều đó bằng cách nào? Nhiều khả năng Gazprom vẫn phải tìm ra giải pháp cho vấn đề. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ cần một khoảng thời gian cho việc này. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thời hạn thực hiện hợp đồng mới không được Moskva hay Bắc Kinh công bố. Và có thể khối lượng giao hàng sẽ tăng dần.

Có một số giải pháp khả thi cho vấn đề phát triển mỏ Yuzhno-Kirinskoye.

Ông Yushkov nói: “Gazprom có thể đã thay đổi toàn bộ kế hoạch phát triển mỏ bằng cách thay thế thiết bị của Mỹ. Hoặc Nga nỗ lực tạo ra thiết bị khai thác khí đốt dưới nước, hoặc tìm ra một giải pháp thay thế cho công nghệ của Mỹ ở Trung Quốc. Có lẽ, lĩnh vực mỏ ngoài khơi này sẽ được phát triển với sự hợp tác của các công ty Trung Quốc.

Về mặt lý thuyết, Gazprom có thể lập liên doanh với Trung Quốc. Điểm duy nhất là công ty Trung Quốc sẽ không thể có được cổ phần đáng kể trong liên doanh. Theo luật, hoạt động sản xuất ngoài khơi chỉ được thực hiện bởi các công ty có kinh nghiệm, trong đó nhà nước nắm cổ phần chi phối (51%). Nhà nước chỉ sở hữu hơn 60% cổ phần của Gazprom. Do đó sẽ chỉ có thể bán một cổ phần rất nhỏ trong liên doanh phát triển cho công ty nước ngoài, theo quy ước là 10%. Trung Quốc có thể không nhất trí với điều này."

Nếu Gazprom thành công trong việc phát triển mỏ Yuzhno-Kirinskoye thì sẽ không phải lo lắng về lượng khí đốt cung cấp cho "Sức mạnh Siberia-3" ở Viễn Đông. Hơn nữa, có thể khai thác trên 10 tỷ m3/năm và đỉnh điểm sẽ đạt 21 tỷ m3/năm. Yushkov nói: “Lượng khí còn lại có thể được cung cấp cho giai đoạn thứ ba của tuyến Sakhalin-2, hoặc chuyển trở lại dự án LNG của Vladivostok, hoặc thỏa thuận về khối lượng cung cấp bổ sung cho Trung Quốc."

Ban đầu, Trung Quốc quan tâm đến dự án này vì nó không đòi hỏi đầu tư lớn vào xây dựng. Thêm vào đó, khí đốt được đưa đến Đông Bắc Trung Quốc, nơi không có nhà cung cấp khí đốt nào khác. Trạm LNG ở xa khu vực này và không có đường ống dẫn khí đốt Trung Á ở đây. Dự án "Sức mạnh của Siberia - 2" qua Mông Cổ đến Trung Quốc lớn hơn nhiều và đòi hỏi thời gian cũng như tiền bạc đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề tế nhị chính là thỏa thuận về mức giá.

Đương nhiên, Trung Quốc đang cố gắng giữ giá ở mức thấp. Đã có những kỳ vọng rằng hợp đồng cụ thể này có thể được ký tại Thế vận hội Bắc Kinh. Xét cho cùng, Trung Quốc năm 2021 cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nên cần khối lượng lớn khí đốt. Tuy nhiên, chuyên gia Yushkov không cho rằng thời điểm ký hợp đồng đã đến. Đã có những trao đổi về việc ký hợp đồng từ năm 2016, nhưng cả khi đó và bây giờ đều không trở thành hiện thực.

Theo ông Yushkov, các bên vẫn chưa giải quyết được vấn đề giá cả, và một hợp đồng quan trọng như vậy có giá trị ký kết sau Thế vận hội.

Trong khi đó, Turkmenistan tuyên bố sẵn sàng thỏa thuận với Bắc Kinh về việc xây dựng tuyến đường ống thứ tư để cung cấp thêm 30 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc. Hiện khoảng 40 tỷ m3 khí đốt đã được xuất khẩu thông qua ba tuyến đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Uzbekistan-Kazakhstan-Trung Quốc.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt Trung Á này là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các tuyến đường ống từ Nga cung cấp cho Trung Quốc. Đây là một dự án cũ của Turkmenistan nhưng không tìm được sự hỗ trợ từ phía đối tác Trung Quốc.

“Trung Quốc không đồng ý tuyến đường thứ tư từ Turkmenistan vì họ cố xếp trứng vào các giỏ khác nhau”, ông Yushkov nhận xét. Bắc Kinh không muốn phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Trung Á. Hiện tại, khi đốt Nga cung cấp qua đường ống cho Trung Quốc bằng một nửa so với Turkmenistan.

Năm 2021, 15 tỷ m3 từ Nga đến Trung Quốc so với 34 tỷ m3 từ Turkmenistan. Thêm vào đó, khí đốt của Turkmenistan nằm trong khu vực bất ổn có thể "phát nổ" bất cứ lúc nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục