Triều Tiên bác bỏ bằng chứng về vụ tàu Cheonan

Triều Tiên khẳng định không có tàu ngầm lớp "Slamon" 130 tấn mà Hàn Quốc cho là đã được sử dụng để phóng ngư lôi vào tàu Cheonan.
Trong cuộc họp báo ngày 28/5, Cục trưởng Cục Chính sách của Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Pak Rim Su đã bác bỏ bằng chứng cho rằng ngư lôi của Triều Tiên làm đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi cuối tháng 3 vừa qua, làm 46 người thiệt mạng.

Ông Pak Rim Su khẳng định Triều Tiên không có tàu ngầm lớp "Slamon" nặng 130 tấn mà Hàn Quốc cho là đã được sử dụng để phóng ngư lôi vào tàu Cheonan. Theo ông, về mặt quân sự, khó có thể hình dung một tàu ngầm nặng 130 tấn mang theo một quả ngư lôi nặng 1,7 tấn đi qua vùng biển quốc tế để vào vùng biển Hàn Quốc, sau đó đánh chìm tàu chiến, rồi trở về an toàn.

Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Seoul rằng các mảnh vỡ vớt được của quả ngư lôi nói trên có đặc điểm tương tự như những thông số thiết kế trên tài liệu mà Triều Tiên gửi cho một khách hàng mua ngư lôi của nước này.

Ông khẳng định nhóm điều tra quốc tế do Hàn Quốc đứng đầu đã không thực hiện tiến trình điều tra một cách khách quan, đồng thời chỉ trích Seoul đã bác bỏ đề nghị của Bình Nhưỡng cử nhóm điều tra riêng tới Hàn Quốc.

Cùng ngày, ông Ri Son Gwon, một quan chức quân sự cấp cao của Triều Tiên, cũng bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc cho rằng số 1 được viết bằng tay trên mảnh vỡ ngư lôi là bằng chứng thuyết phục về sự dính líu của Triều Tiên vào vụ đắm tàu Cheonan.

Ông khẳng định khi đánh số cho vũ khí, Triều Tiên thường chạm khắc bằng máy móc, chứ không viết bằng tay, và kiểu chữ trên mảnh vỡ của quả ngư lôi chỉ được dùng cho các vận động viên bóng đá hoặc bóng rổ của nước này.

Trong khi đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này ngày 28/5 cảnh báo rằng Bình Nhưỡng sẽ có "những biện pháp đáp trả mạnh mẽ" nếu Hàn Quốc đưa vụ chìm tàu Cheonan lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đề nghị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Tuyên bố đồng thời chỉ trích Mỹ hậu thuẫn kế hoạch của Hàn Quốc tìm cách trừng phạt Triều Tiên thông qua Hội đồng Bảo an.

Mặc dù tuyên bố không nêu cụ thể "các biện pháp đáp trả mạnh mẽ," song giới quan sát dự đoán đó có thể là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc vụ thử hạt nhân thứ ba.

Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexeii Borodavkin ngày 28/5 đã thảo luận với Đại sứ Triều Tiên tại Nga Kim Yong Jae về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí về sự cần thiết phải ngăn chặn căng thẳng leo thang trong khu vực, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục trao đổi nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trước đó, ngày 27/5, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak, đề nghị Seoul kiềm chế, tránh để leo thang căng thẳng sau vụ đắm tàu Cheonan.

Ngày 29/5, Tổng thống Lee Myung-bak cùng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên thường niên tại đảo Jeju của Hàn Quốc với nội dung thảo luận chính là tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc gặp Tổng thống Lee Myung-bak, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định lập trường của Trung Quốc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hy vọng chính phủ Hàn Quốc sẽ có cách xử lý đúng đắn vụ đắm tàu Cheonan và kêu gọi các bên liên quan bình tĩnh, kiềm chế, tránh làm nghiêm trọng tình hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục