Triều Tiên sẵn sàng cử đại diện tới Nhật Bản đàm phán

Đại sứ Triều Tiên phụ trách đàm phán bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản Song Il Ho khẳng định Bình Nhưỡng không từ chối bất cứ đề nghị nào từ phía Nhật Bản.
Triều Tiên sẵn sàng cử đại diện tới Nhật Bản đàm phán ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Junichi Ihara (thứ tư, phải) và Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Song Il-Ho (thứ năm, trái) trong cuộc đàm phán tại Stockholm ngày 26/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/6, Đại sứ Triều Tiên phụ trách đàm phán bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản Song Il Ho đề cập khả năng sẽ tới Nhật Bản để tiếp tục các cuộc đàm phán song phương nếu phía Tokyo đề nghị.

Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản trên cơ sở những thỏa thuận 2 bên đã đạt được trong cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tuần trước, ông Song Il Ho khẳng định cho tới nay Bình Nhưỡng không từ chối bất cứ đề nghị nào từ phía Nhật Bản.

Những bình luận trên được ông Song Il Ho đưa ra sau khi hãng Kyodo của Nhật Bản ngày 1/6 đưa tin rằng Chính phủ nước này có kế hoạch mời các quan chức Triều Tiên tới để tìm hiểu thêm thông tin liên quan tới các cam kết của Bình Nhưỡng về việc điều tra lại số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc trên lãnh thổ Triều Tiên trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ chính phủ Nhật Bản sẵn sàng thực hiện kế hoạch trên nếu điều đó là cần thiết cho việc điều tra lại số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc. Theo thông tin từ chính phủ Nhật Bản, hai nước có thể tổ chức vòng đàm phán tiếp theo sớm nhất vào cuối tháng 6 nếu Bình Nhưỡng tổ chức điều tra lại về vấn đề người Nhật bị bắt cóc.

Sau cuộc đàm phán kéo dài 3 ngày tại Stockholm, 2 bên đã có bước tiến đáng kể nhằm thúc đẩy quan hệ. Triều Tiên đã đồng ý tiến hành điều tra toàn diện về số phận các công dân Nhật Bản bị bắt cóc, trong khi Nhật Bản cam kết sẽ xem xét lại một số biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên.

Theo thỏa thuận, vào giữa tháng 6 này, Triều Tiên sẽ thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt để tìm hiểu các thông tin từ các đơn vị trong nước và sẽ cung cấp thông tin điều tra cho Nhật Bản. Đổi lại, Nhật Bản sẽ giảm bớt sự hạn chế du lịch của Triều Tiên sang nước này và xem xét lại lệnh cấm nhập cảnh của các tàu Triều Tiên mang mục đích nhân đạo.

Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 người Nhật Bản và cho biết 8 người trong số đó đã chết tại Triều Tiên, 5 người khác đã được trao trả về Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Nhật Bản cho rằng Triều Tiên đã bắt cóc 17 người, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tiếp tục điều tra và trả về nước những con tin mà Tokyo cho là vẫn còn sống tại Triều Tiên.

Năm 2008, Triều Tiên đã cam kết điều tra lại vấn đề này, song kết quả chưa làm Tokyo hài lòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục