Trồng mận rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La

Nhờ áp dụng kỹ thuật rải vụ nên thời gian thu hoạch của cây mận đã sớm hơn khoảng gần 2 tháng và kéo dài thêm 1 tháng so với chính vụ; giá cả, đầu ra của quả mận luôn ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Trồng mận rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La ảnh 1Người dân tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch mận. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Những năm gần đây, mận hậu đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Do đặc tính của cây mận có thời gian thu hoạch ngắn, sản lượng lớn nên khi vào vụ thường tiêu thụ khó khăn, giá bán không cao.

Để kéo dài thời gian thu hoạch, nhiều hộ nông dân đã áp dụng kỹ thuật để mận ra quả sớm, kéo dài thời gian thu hoạch, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.

Mặc dù phải gần 1 tháng nữa mận hậu Sơn La mới vào chính vụ thu hoạch, nhưng thời điểm này, vườn mận của gia đình ông Lê Tiến Dũng và các thành viên của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã cho thu hoạch nhiều lứa quả.

Đây là thời điểm đầu vụ, nên mận được bán giá bán trung bình từ 100.000-120.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với chính vụ.

Ông Lê Tiến Dũng chia sẻ, hiện gia đình ông trồng 3ha mận hậu, quá trình sản xuất ông đã chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học và phân bón hữu cơ. Cùng với đó, nhờ áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ cho quả chín sớm nên năng suất, thu nhập đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Đối với mận chín sớm, trung bình khoảng 1 tuần gia đình ông lại thu hái mận 1 lượt, sản lượng đạt khoảng 50kg. Với giá bán hiện nay gần 100.000 đồng/kg, cao hơn 10 lần so với quả mận chính vụ. Dự kiến, đối với quả mận chín sớm năm nay gia đình ông sẽ thu hoạch được khoảng 5 tấn quả.

[Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu đặc sản mận hậu ở Sơn La]

Tại xã Phiêng Khoài hiện có hơn 400 hộ trồng mận và chăm sóc gần 200ha cho quả chín sớm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao vượt trội, nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật hạ cành, tỉa tán, kích cho mận ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ mận.

Cùng với đó, ở một số nơi người dân còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động, xây dựng nhà lưới chống mưa đá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho quả mận.

Trồng mận rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La ảnh 2Cây mận hậu chín sớm Sơn La có giá từ 100.000-200.000đồng/kg. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài cho biết, với 17 thành viên tham gia hợp tác xã đang có 35ha mận đạt chứng nhận VietGAP và đang từng bước áp triển khai quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng trung bình mỗi năm đạt từ 20-30 tấn/ha.

Ngoài ra, nhờ áp dụng kỹ thuật rải vụ, nên thời gian thu hoạch của cây mận đã sớm hơn khoảng gần 2 tháng và kéo dài thêm 1 tháng so với cây mận chính vụ. Vì vậy, giá cả, đầu ra của quả mận luôn ổn định và mang lại giá trị kinh tế rất cao cho các thành viên.

Hiện nay, huyện Yên Châu có gần 3.000ha mận hậu, được trồng được trồng chủ yếu ở các xã như Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng On. Với độ cao trung bình trên 850m so với mực nước biển, khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho sự phát triển của cây mận, loài cây có nguồn gốc cận ôn đới lạnh.

Để nâng cao giá trị quả mận, những năm gần đây ngành nông nghiệp của huyện đã tập trung hướng dẫn các nông hộ, hợp tác xã đẩy mạnh áp dụng biện pháp hạ cành, tỉa tán, áp dụng canh tác mận theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật rải vụ để cho ra các sản phẩm quả mận chất lượng với giá bán cao.

Trồng mận rải vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Sơn La ảnh 3Vùng trồng mận được áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Châu Lê Huy Phong cho biết, trước đây, vụ thu hoạch mận chỉ kéo dài trong khoảng 1 tháng, dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” nên giá cả luôn thấp.

Giá mận khi vào chính vụ chỉ bán được trung bình từ 5.000-10.000 đồng/kg, nên với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ đã giúp cho người nông dân thu có thu nhập cao hơn rất nhiều.

Bằng kỹ thuật rải vụ, quả mận chín sớm hơn nên người dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó.

Để hỗ trợ người dân, huyện đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng chăm sóc cây mận hậu, cách thức để mận chín sớm cho năng suất, chất lượng cao.

Chính quyền địa phương còn hỗ trợ người dân tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử. Đây cũng là hướng tiêu thụ được nhiều hộ trồng mận trên địa bàn tỉnh Sơn La áp dụng cho các vụ mận hậu tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục