Trong đó, 50% diện tích đã được xã viên đầu tư cơ sở vật chất như nhà lưới, hệ thống tưới phun tự động phục vụ sản xuất.
Với năng suất bình quân đạt 74 tấn/ha/năm, trong năm vừa qua, lượng rau của hợp tác xã Trường An bán ra trên thị trường đạt 1.600 tấn, doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng. Tính ra mỗi ha rau, xã viên thu lãi hơn 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Tất cả các hộ xã viên đều đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đặc biệt, từ tháng 10/2010, hợp tác xã Trường An được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai kết hợp với Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm về xây dựng mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt (GPPs) ngành rau an toàn tại Đồng Nai do Chính phủ Canada tài trợ chọn xây dựng mô hình điểm ngành hàng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Hợp tác xã được dự án hỗ trợ gần 320 triệu đồng để nâng cấp nhà sơ chế và khâu an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo đạt các tiêu chuẩn VietGap.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không phải ngẫu nhiên mà hợp tác xã Trường An được chọn để thực hiện mô hình điểm, bởi đây là vùng đất có sẵn các tiềm năng về điều kiện tự nhiên khá tốt cho việc phát triển cây rau theo hướng an toàn và các xã viên của hợp tác xã đã có kinh nghiệm sản xuất các loại rau theo hướng hàng hóa từ nhiều năm qua.
Ban chủ nhiệm hợp tác xã đã liên hệ với Trạm bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng rau sạch theo mô hình IPM, cung ứng hạt giống, kỹ thuật thâm canh.
Từ đó tất cả ruộng rau của xã viên trong hợp tác xã đều được trang bị nhà lưới, khoan giếng, hệ thống tưới nước tự động, màng phủ ni lon. Ban chủ nhiệm hợp tác xã chuyên lo việc tiếp thu những kinh nghiệm trồng rau, chọn giống rau cũng như những tiến bộ kỹ thuật từ Trạm bảo vệ vật, Trạm khuyến nông huyện và lo đầu ra cho sản phẩm.
Các hộ xã viên phân công nhau trồng các giống rau và thường xuyên họp mặt đầu bờ trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nhất là cách thức chăm sóc rau theo hướng sạch, giảm thiểu dùng thuốc trừ sâu và dùng các loại phân bón đã ủ hoai để bón cho rau.
Do áp dụng mô hình IPM, năng suất các loại rau của các hộ xã viên đều tăng hơn 2 lần trước đây, thời gian thu hoạch một lứa rau từ 1 tháng, nay chỉ còn từ 18 đến 20 ngày. Đặc biệt vì ứng dụng lưới che nên trong 6 tháng mùa mưa trước đây hầu như không trồng được rau ăn lá, nay thêm được từ 2 đến 3 vụ trồng rau, nhất là các loại rau xà lách, tần ô, các loại rau thơm nên hợp tác xã có rau bán quanh năm, tăng thêm nhu nhập cho xã viên gấp gần 2 lần.
Với những phương pháp sản xuất theo hướng công nghệ cao đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ sau một thời gian ngắn, rau Trường An đã có thương hiệu riêng và nhận được đơn đặt hàng của một số siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh với giá cao gần gấp 2 lần hộ trồng rau bên ngoài.
Chủ nhiệm hợp tác xã Trường An Võ Văn Vương cho biết, với sự đóng góp của xã viên và sự hỗ trợ kinh phí từ dự án, hợp tác xã đã xây dựng được nhà sơ chế rộng 300m2 với kinh phí khoảng hơn 300 triệu đồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong việc sơ chế, đóng gói theo quy trình VietGap đề ra.
Trong năm 2011, hợp tác xã phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên 25ha. Hợp tác xã tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp xúc tiến xây dựng hợp tác xã đạt tiêu chuẩn VietGap, để thương hiệu rau Trường An có chỗ đứng vững chắc trong siêu thị cũng như trong lòng người tiêu dùng về một sản phẩm rau an toàn./.