Trung Á và Đông Âu có rơi vào "bẫy" sáng kiến "Vành đai và Con đường"?

Có một vị trí chiến lược trong "Vành đai và Con đường" nối châu Á với châu Âu, nhưng Trung Á giờ đây đang bị rơi vào "bẫy" phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Trung Á và Đông Âu có rơi vào "bẫy" sáng kiến "Vành đai và Con đường"? ảnh 1Lắp đặt hệ thống đường ống Trung Á chạy gần 2.000km từ Turkmenistan qua các nước Uzbekistan và Kazakhstan trước khi đến khu vực Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Cộng hòa Turkmenistan, một quốc gia ở Trung Á, đang rơi vào khủng hoảng kinh tế. Một mặt, phần lớn nguồn thu nhập của quốc gia này phụ thuộc vào xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc. Mặt khác, "núi nợ" của Turkmenistan ngày càng cao, khiến cho dòng tiền lưu thông ngày càng ách tắc.

Cộng hòa Tajikistan, một quốc gia khác ở khu vực Trung Á, đã phải nhượng quyền khai thác tài nguyên đất nước cho một số doanh nghiệp Trung Quốc để đổi lấy khoản tiền viện trợ từ Bắc Kinh.

Có một vị trí chiến lược trong "Vành đai và Con đường" nối châu Á với châu Âu, nhưng Trung Á giờ đây đang bị rơi vào "bẫy" phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

[“Cỗ xe tam mã” trên đường đua với “Vành đai và Con đường”]

Theo báo Nihong Keizai (Nhật Bản), mặc dù Turkmenistan áp dụng chế độ kiểm soát thông tin nghiêm ngặt, nhưng những thông tin kiểu như "mỗi ngày đều có hàng dài người đứng đợi mua thực phẩm," "muốn mua bột mỳ phải đặt trước cả tháng" phát đi từ đất nước này ngày càng nhiều.

Theo các thông tin tại đây, tỷ giá quy đổi chính thức 1 USD đổi được 3,5 manat (tiền Turkmenistan), nhưng thực tế tỷ giá trên chợ đen là 1 USD đổi được 18-19 manat. Thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày như bột mì, đường, dầu ăn không đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi chính phủ đã tăng giá nước sạch và khí đốt, đẩy vật giá tại quốc gia Trung Á này tăng lên 300%.

Có một số ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Turkmenistan đã vượt qua cả thời kỳ hỗn loạn hậu Xô viết.

Với 70% nguồn thu nhập quốc gia dựa vào xuất khẩu khí đốt, từ năm 2009, Turkmenistan đã đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua tuyến đường ống chạy qua các nước láng giềng Uzbekistan và Kazakhstan. Đồng thời, chính quyền Ashgabat cũng vay nhiều tiền từ Bắc Kinh để phát triển các mỏ khí đốt và xây dựng các cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Theo Viện Nghiên cứu Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) của Nga, số vốn vay này lên tới 8 tỷ USD và Turkmenistan dùng một phần số tiền bán khí đốt cho Trung Quốc để trả nợ. Tuy nhiên, sau khi đường ống dẫn đi qua Nga bị ngừng hoạt động, trong khi các hợp đồng ký với Iran cũng không thuận lợi, thu nhập từ khí đốt của Turkmenistan năm 2017 đã giảm một nửa so với năm 2015. Thêm vào đó, hệ thống quản lý tài chính lỏng lẻo trong các dự án cơ sở hạ tầng và các vụ tham nhũng đã đẩy nền kinh tế Turkmenistan vào khủng hoảng.

Để trả nợ Trung Quốc, có một số thông tin cho rằng Turkmenistan đã buộc phải nhượng quyền khai thác một số mỏ khí đốt cho Bắc Kinh.

Thời gian qua, nhiều nước Trung Á đã đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai và Con đường," kèm theo đó là những khoản vay khổng lồ. Tháng 4/2018, Tajikistan đã nhượng quyền khai thác một mỏ vàng cho doanh nghiệp Trung Quốc để đổi lại nhận được khoản vay 300 triệu USD để xây dựng nhà máy phát điện.

Tại Kyrgyzstan, để có vốn xây dựng nhà máy phát điện tại thủ đô Bishkek, chính phủ nước này đã ký thỏa thuận vay vốn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong đó có điều khoản cam kết sẽ trả toàn bộ các tài sản trong dự án này cho Trung Quốc nếu không thể trả đủ nợ cho Bắc Kinh. Trong một dự án xây dựng đường sắt khác, Kyrgyzstan cũng phải ký thỏa thuận trong đó có điều khoản phải cho Trung Quốc quyền khai thác tài nguyên để đổi lấy các khoản vay.

Với việc Sri Lanka phải chuyển quyền khai thác cảng Hambantota ở phía Nam nước này cho Trung Quốc trong thời gian 99 năm, nguy cơ nước này phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua sự thẩm thấu của "Vành đai và Con đường" đã được cả thế giới nhận diện. Nghiên cứu viên Andrei Grozin, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Á của Viện CIS, cho rằng mục đích của Trung Quốc tại Trung Á là củng cố vị trí độc tôn và thu mua hết nguồn tài nguyên tại đây.

Không chỉ dừng lại ở Trung Á, giờ đây Trung Quốc đã bắt đầu hướng sự quan tâm tới Ukraine trong bối cảnh sự đối đầu giữa Nga và phương Tây gia tăng xung quanh vấn đề của quốc gia Đông Âu này. Cuối năm 2017, Ủy ban liên chính phủ Trung Quốc và Ukraine đã họp lại sau 4 năm, tại đây Bắc Kinh đã quyết định cho Kiev vay 700 triệu USD để phát triển các hệ thống giao thông và hạ tầng tại thủ đô Kiev.

Một quan chức cấp cao trong chính phủ Kiev cho biết trong khi quan hệ với Nga bị đình trệ, các khoản vốn đầu tư từ Mỹ và phương Tây giảm sút, thế lực thân Trung Quốc đang âm thầm xuất hiện. Ngoài mục tiêu khai thác nguồn tài nguyên như với Trung Á, Trung Quốc còn nhắm tới các công nghệ quốc phòng của Ukraine. Doanh nghiệp Trung Quốc từng mua 41% cổ phần tại nhà máy Motor Sich, doanh nghiệp chuyên sản xuất động cơ máy bay vận tải và trực thăng nổi tiếng của Ukraine.

Vụ việc nghiêm trọng đến mức Tòa án tối cao Ukraine sau đó đã phải vào cuộc ngăn cản. Trong năm 2017, Ukraine cũng đã phát giác một vụ gián điệp ăn cắp bí mật quân sự của nước này, thủ phạm được cho là có liên quan tới Trung Quốc.

Trung Á, và cả Ukraine, vốn là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của Nga trước đây nhưng Moskva có vẻ đã chấp nhận cho Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại những khu vực này. Điều mà Nga lo lắng hiện nay là cuộc xâm nhập về dân chủ và kinh tế từ Mỹ và phương Tây vào Nga có thể dẫn tới các cuộc bạo loạn lật đổ, do đó Nga cho rằng thà để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực ngoại vi còn hơn là để Mỹ và phương Tây làm việc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục