Doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian để thực hiện thủ tục đất đai?

Các bước thực hiện liên quan đến chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, trong khi các "thủ tục con” vẫn tồn tại do hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được hoàn thiện.
Doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian để thực hiện thủ tục đất đai? ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Theo Báo cáo Chỉ số Đánh giá Chi phí tuân thủ Thủ tục hành chính 2022 (APCI 2022), để thực hiện một thủ tục hành chính trong nhóm đất đai, trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra 32,2 giờ, chi phí trực tiếp là khoảng 3,8 triệu đồng.

Báo cáo do Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).

"Thủ tục con" - gánh nặng đối với doanh nghiệp

Theo báo cáo, nhóm thủ tục hành chính đất đai được khảo sát năm 2022 gồm ba thủ tục hành chính.

Một là đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu. Hai là đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất. Ba là chuyển mục đích sử dụng đất.

Thời gian trung bình doanh nghiệp trên cả nước cần bỏ ra để thực hiện một thủ tục hành chính đất đai là 32,2 giờ với điểm chi phí thời gian của nhóm thủ tục hành chính đất đai là 70,3/100 điểm.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đầu cả nước về chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính đất đai với 83,3 điểm; doanh nghiệp tại vùng này chỉ mất khoảng 20,1 giờ để thực hiện một thủ tục hành chính đất đai.

Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long có điểm thấp nhất về chi phí thời gian với 58 điểm. Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có thực tiễn thực tốt nhất về thời gian thực hiện thủ tục hành chính đất đai, với chỉ 6,9 giờ, chỉ bằng 21% mức trung bình của cả nước.

Các bước thực hiện liên quan đến chuẩn bị và hoàn thiện bộ hồ sơ (chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ) theo quy định và yêu cầu của cơ quan quản lý chiếm hơn một nửa (65,4%) thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Qua khảo sát các năm, khâu chuẩn bị hồ sơ và hoàn thiện bổ sung hồ sơ của các thủ tục hành chính về đất đai vẫn là gánh nặng đối với doanh nghiệp, đặc biệt ở các "thủ tục con" như làm việc với Ủy ban Nhân dân địa phương nơi có đất để thực hiện xác nhận tình trạng không có tranh chấp quyền sở hữu đất đai, tài sản, và làm việc với Văn phòng đăng ký đất đai để trích lục bản đồ địa chính/trích đo bản đồ địa chính khu đất.

Nguyên nhân chính của việc vẫn tồn tại những thủ tục con như trên là do hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai vẫn chưa được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi, không có sự liên thông giữa cơ quan quản lý đất đai các cấp.

Theo doanh nghiệp được khảo sát, mặc dù việc thực hiện các thủ tục con nói trên không khó nhưng cũng tạo ra những gánh nặng nhất định về chi phí và nguồn lực đối với doanh nghiệp do phải đi lại nhiều lần.

Có khoảng 34% tổng số doanh nghiệp được khảo sát có trải qua bước khảo sát thực địa, với thời gian trung bình khoảng 6,3 giờ, tương đương với 19,6% tổng thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

[Tập trung rà soát các văn bản là 'điểm nghẽn,' chưa theo kịp yêu cầu]

Theo những doanh nghiệp này, nguyên nhân chính của việc xử lý thủ tục kéo dài nằm ở khó khăn do xác minh, thẩm định nguồn gốc đất phức tạp. Ngoài ra, một số ít ý kiến cho rằng bản thân cơ quan quản lý địa phương không hiểu rõ các văn bản, quy định, dẫn đến việc phải lấy ý kiến từ các cơ quan chuyên môn bằng văn bản, hoặc có những hướng dẫn không rõ ràng cho doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu tài liệu và trao đổi với các cơ quan quản lý đất đai, APCI cũng đã ghi nhận một số vướng mắc về pháp lý trong thủ tục hành chính về nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp và chấp thuận chủ trương đầu tư.

Chi phí trực tiếp trung bình của một thủ tục hành chính về đất đai là 3,8 triệu đồng, tương ứng với 69,6/100 điểm so với thực tiễn tốt nhất.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có mức chi phí trực tiếp thấp nhất trung bình là gần 1,8 triệu đồng, tương ứng với điểm số cao nhất 86,6/100 điểm trong số các vùng kinh tế trọng điểm. Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có thực tiễn tốt nhất với chi phí trung bình là gần 1,2 triệu đồng.

Các chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục hành chính về đất đai bao gồm phí thẩm định hồ sơ (tối đa 7,5 triệu đồng), lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (tối đa 0,5 triệu đồng/giấy chứng nhận ), phí công chứng... Thực tế khảo sát APCI qua các năm không ghi nhận sự thay đổi đáng kể nào về mức chi phí trực tiếp này.

Theo khảo sát, chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính đất đai được ghi nhận ở 6,6% doanh nghiệp, phát sinh trong các bước sửa đổi bổ sung hồ sơ và khảo sát thực địa.

Việc doanh nghiệp thuê các đơn vị trung gian, tư vấn để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai ngày càng trở nên phổ biến, nhưng việc doanh nghiệp giao phó toàn bộ công việc cho đơn vị trung gian tư vấn tiếp tục có xu hướng giảm đi.

Làm thế nào để tiếp tục cải cách thủ tục đất đai?

Nhóm thủ tục hành chính đất đai được xem là nhóm thủ tục hành chính phức tạp và khó đối với doanh nghiệp trong số các nhóm thủ tục hành chính của APCI. Sự phức tạp và khó được thể hiện trong các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, các quy định cần tuân thủ, và sự chồng chéo giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh Bất động sản...

Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan quản lý địa phương thực hiện nhiều cải cách về thủ tục hành chính đất đai theo hướng bãi bỏ những thủ tục, công việc không cần thiết; rút ngắn thời gian thực hiện; giảm số lượng bộ hồ sơ phải nộp, quy định cung cấp thông tin, luân chuyển hồ sơ giữa cơ quan đăng ký và cơ quan thuế, kho bạc trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp trích lục bản đồ địa chính; liên thông thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất; thẩm định điều kiện giao đất cho thuê đất đối với các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, khảo sát APCI cho thấy Chính phủ và các cơ quan quản lý đất đai vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tập trung vào việc tăng cường sử dụng công nghệ, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian để thực hiện thủ tục đất đai? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đầu tiên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử và cơ sở dữ liệu đất đai: hệ thống này phải là một hệ thống thông tin điện tử tích hợp, kết nối các bộ phận, cơ quan và tổ chức liên quan đến đất đai, để tự động hóa và giảm thời gian cho các thủ tục liên quan đến đất đai.

Một ví dụ tốt mà Việt Nam có thể học hỏi là chương trình "e-Deed" của Bangalore, Ấn Độ. Chương trình này cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu, xác nhận và làm việc với các giấy tờ liên quan đến đất đai trực tuyến. Hệ thống cũng tự động hóa quy trình tra cứu và xử lý các giấy tờ, giảm thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai.

Tại Việt Nam, vào tháng 8/2022, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã công bố nền tảng dữ liệu đất đai trực tuyến, bao gồm Cổng Thông tin Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường.

Hệ thống thông tin đất đai trực tuyến cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu các dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất... toàn thành phố. Tuy vậy, giá trị pháp lý của thông tin từ hệ thống cần phải được công nhận để giảm thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn rằng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng cũng cần được sớm hoàn thiện, là nền tảng cho tự động hóa các quy trình tra cứu và xử lý các giấy tờ của thủ tục hành chính đất đai.

Tiếp theo, cần tiếp tục thực hiện các cải cách về quy trình dựa trên nền tảng số: với việc phát triển các hệ thống thông tin đất đai trực tuyến, các cơ quan quản lý có thể cân nhắc tiếp tục giảm số lượng thủ tục hành chính, như là bãi bỏ một số thủ tục không cần thiết, hoặc có thể tự động hóa từ hệ thống; giảm các bước thực hiện ví dụ như bước thẩm tra thực địa; đơn giản hóa các thông tin cần cung cấp trong hồ sơ thủ tục dựa vào việc hợp lý hóa quy trình ghi chép và quản lý các giao dịch đất đai trên hệ thống.

Tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục liên quan đến đất đai đảm bảo rằng các thủ tục được nhất quán và thống nhất giữa các vùng, địa phương khác nhau. Chuẩn hóa các biểu mẫu và tài liệu cần thiết để thực hiện các giao dịch đất đai cần được thực hiện dựa vào hệ thống thông tin điện tử và ngược lại Chính phủ và các cơ quan quản lý sử dụng các hệ thống điện tử để thu thập và quản lý thông tin cần thiết, điều này có thể giúp đảm bảo tính đầy đủ và chính xác của hệ thống. Xây dựng cơ chế phản hồi sớm trong môi trường điện tử, thông qua các công cụ như email, hotline, Zalo, chatbot để công khai quá trình xử lý hồ sơ, giúp doanh nghiệp nắm bắt được tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, và kịp thời cung cấp thông tin, sửa đổi bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần cải thiện sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan liên quan trong xử lý hồ sơ đất đai thông qua việc chia sẻ dữ liệu và xây dựng các nền tảng dùng chung. Việc triển khai một hệ thống chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa các cơ quan liên quan cần đảm bảo rằng về quyền truy cập của các bên liên quan vào thông tin mới nhất và có thể đưa ra quyết định phù hợp với tình hình thực tế và quy định pháp luật.

Các nền tảng chung cần có chức năng ghi lại và theo dõi tất cả các giao dịch giúp tăng hiệu quả xử lý và tính minh bạch của quy trình. Ngoài ra, chức năng giám sát trong các hệ thống là cần thiết để giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện và theo dõi tiến trình cải thiện sự hợp tác trong xử lý các thủ tục đất đai.

Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần sớm sửa đổi Luật Đất đai và đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư và các luật về quy hoạch để nhanh chóng tháo gỡ những bất cập, vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư, thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án đầu tư, việc nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục