Trừng phạt Iran là chủ đề chính tại Hội nghị G-8

Trong ngày đầu hội nghị tại Gatineau, ngoại trưởng các nước G-8 đã thảo luận cách thức giải quyết đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Ngày 29/3, Hội nghị ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển (G-8) đã khai mạc tại thành phố Gatineau, thuộc tỉnh Quebec, với lời lên án mạnh mẽ các vụ đánh bom khủng bố tàu điện ngầm ở Nga sáng cùng ngày làm ít nhất 37 người thiệt mạng và 65 người bị thương.

Hội nghị dự kiến diễn ra trong hai ngày dưới sự chủ tọa của Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon để bàn các vấn đề an ninh, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G-8 và hội nghị các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) vào tháng 6 tới.

Trong ngày đầu hội nghị, ngoại trưởng các nước G-8 (gồm Nga, Anh, Đức, Italy, Pháp, Canada, Mỹ và Nhật Bản) đã thảo luận một loạt vấn đề quốc tế như tình hình Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tình hình Iraq, Afghanistan...

Tuy nhiên, chủ đề thảo luận chính là cách thức giải quyết đối với chương trình hạt nhân của Iran. Về vấn đề này, Ngoại trưởng Cannon cho biết Canada sẽ thúc đẩy thắt chặt việc trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân mà nước này đang tiến hành.

Ông khẳng định G-8 không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng cường trừng phạt Iran thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh các cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran cần phải trong khuôn khổ của Liên hợp quốc và Canada sẵn sàng đóng vai trò trong vấn đề này.

Hưởng ứng quan điểm trên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định thế giới không chấp nhận một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran.

Các ngoại trưởng G-8 cũng thông qua "sáng kiến kinh tế" cho các khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan, coi đây là một trong những biện pháp để bảo đảm an ninh toàn cầu.

Về vấn đề Afghanistan, Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton bày tỏ hy vọng Ottawa sẽ hỗ trợ thiết thực cho cuộc chiến của Mỹ ở chiến trường Nam Á này sau khi Canada rút 2.800 quân khỏi Afghanistan trong năm sau.

Có tin vào cuối năm nay Washington sẽ đề nghị Ottawa duy trì 500-600 quân tại Afghanistan qua năm 2011.

Cùng sự góp mặt của Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, hội nghị cũng thảo luận nguy cơ phổ biến hạt nhân, các cuộc xung đột khu vực và nguy cơ khủng bố.

Cũng nhân dịp này, Ngoại trưởng Cannon đã tổ chức cuộc gặp giữa ngoại trưởng 5 quốc gia có biên giới giáp với Bắc Cực - gồm Canada, Nga, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch - bàn về vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, nguồn tài nguyên dầu mỏ và triển vọng mở các tuyến đường hàng hải qua Bắc Cực.

Các nước đã nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hoàn tất bản đồ đáy biển Bắc Cực, điều chỉnh lưu lượng giao thông đường thủy, ngăn ngừa các vụ tai nạn và bảo vệ môi trường tại khu vực này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Cannon tái khẳng định lập trường của chính phủ Canada về tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác ở vùng Bắc Cực và sẽ không hành động đơn phương.

Việc Canada chỉ mời 4 nước có lãnh thổ giáp Bắc Cực tham dự cuộc gặp này đã gây phản ứng bất bình của một số quốc gia khác như Thụy Điển, Phần Lan và Ireland.

Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton không tham dự cuộc họp báo sau đó, cho rằng các cuộc thảo luận quốc tế quan trọng liên quan đến Bắc Cực cần bao gồm tất cả những nước có quyền lợi hợp pháp tại khu vực.

Theo các nhà kinh tế thế giới, trữ lượng dầu khí tiềm ẩn của Bắc Cực là rất lớn, với khoảng 100 tỷ đến 200 tỷ thùng dầu thô, tức khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Lượng khí thiên nhiên ở đây cũng rất dồi dào, khoảng từ 50.000 tỷ đến 80.000 tỷ m3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục