Trung Quốc: Các chỉ số kinh tế chịu tác động của dịp Tết Nguyên đán

Lạm phát tiêu dùng trong tháng 1/2017 của Trung Quốc đã tăng lên do ảnh hưởng của dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi giá sản phẩm đầu vào nhà máy cũng tăng cao hơn dự kiến.
Trung Quốc: Các chỉ số kinh tế chịu tác động của dịp Tết Nguyên đán ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AP/TTXVN)

Theo các số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 14/2, lạm phát tiêu dùng trong tháng 1/2017 của nước này đã tăng lên do ảnh hưởng của dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài vừa qua, trong khi giá sản phẩm đầu vào nhà máy cũng tăng cao hơn dự kiến sau khi giá khí đốt và dầu mỏ tăng vọt.

NBS cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính chỉ số lạm phát, trong tháng Một tăng 2,5%, cao hơn mức tăng 2,1% của tháng 12/2016 do dịp Tết Nguyên đán đã đẩy giá cả thực phẩm, vận tải-du lịch lên cao.

Các số liệu mới công bố cũng cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số đo giá sản phẩm đầu vào nhà máy, tăng 6,9% trong tháng Một, cao hơn mức dự đoán 6,5% của thị trường. Như vậy, chỉ số PPI trong tháng Một đã tăng ở mức cao nhất trong hơn 5 năm qua.

Theo NBS, nguyên nhân của sự tăng cao này chủ yếu do tác động từ những biến động giá cả năm 2016 cũng như giá các nguyên liệu thô và nhiên liệu tăng.

Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh ngày 13/2 dẫn thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) cho biết doanh số bán ôtô ở Trung Quốc trong tháng 1/2017 đã giảm mạnh do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán và sự cắt giảm ưu đãi về thuế đối với xe ôtô.

Trong tháng 1/2017, toàn thị trường Trung Quốc tiêu thụ 2,52 triệu ôtô, chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2016, và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 9,5% trong tháng 12/2016.

Cũng theo CAAM, tổng sản lượng ôtô của Trung Quốc trong tháng 1/2017 giảm 3,9% so với tháng 1/2016, xuống còn 2,37 triệu chiếc.

CAAM cho rằng 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nói trên là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và sự cắt giảm ưu đãi về thuế đối với xe ôtô.

Tháng 10/2015, Chính phủ Trung Quốc quyết định cắt giảm một nửa thuế mua các loại xe hơi nhỏ xuống còn 5%.

Quy định này được áp dụng đối với các loại ôtô có dung tích xilanh từ 1,6 lít trở xuống và có hiệu lực từ tháng 10/2015 đến hết năm 2016.

Tuy nhiên, mức thuế nói trên sẽ tăng trở lại thành 7,5% trong năm 2017 và 10% trong năm 2018.

Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới. Năm 2016, doanh số bán xe tại thị trường này đạt mức kỷ lục 28,03 triệu chiếc, tăng 13,7% so với năm 2015.

Cùng ngày, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sản lượng thép thô của nước này tăng nhẹ trong năm 2016.

Tổng sản lượng thép thô của Trung Quốc trong năm ngoái đạt 808,37 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2015.

Trong khi đó, giá thép tiếp tục tăng cao, chỉ số giá thép nội địa của Trung Quốc trong tháng 12/2016 đạt 99,48 điểm, tăng 11,23 điểm so với tháng 11, và cao hơn 44,13 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

Nền kinh tế giảm tốc khiến cho lĩnh vực sản xuất thép, vốn tồn tại căn bệnh dư thừa năng lực sản xuất trầm trọng, đối mặt với tình trạng giảm giá và đóng cửa hàng loạt nhà máy trong một số năm qua.

Tuy nhiên, trước xu hướng tăng giá kể từ đầu năm 2016, nhiều nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc đã khôi phục hoạt động.

Chính phủ Trung Quốc từng nhấn mạnh nỗ lực cắt giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch cải cách của nước này bởi tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong các lĩnh vực như thép và than đá đã và đang là trở lực lớn đối với sức tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm thêm 100 triệu đến 150 triệu tấn thép vào năm 2020. Mục tiêu cắt giảm 45 triệu tấn thép của nước này trong năm 2016 cũng được hoàn thành trước thời hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục