Trung Quốc đang phát triển quá mức các đặc khu kinh tế?

Với hơn 2.000 khu vực kinh tế quy mô khác nhau như vậy trên khắp đất nước, Trung Quốc cho đến nay là quốc gia có nhiều đặc khu hoạt động kinh tế hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Trung Quốc đang phát triển quá mức các đặc khu kinh tế? ảnh 1(Nguồn: news.cgtn.com)

Ngày 25/10, tờ Straits Times (Singapore) đã đăng bài bình luận của tác giả Elizabeth Law, trong đó nhận định về việc Trung Quốc phát triển các khu kinh tế trong thời gian qua.

Các khu kinh tế “mọc lên như nấm”

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu vào ngày 14/10/2020 đánh dấu kỷ niệm 40 năm thiết lập Khu Kinh tế Đặc biệt (SEZ) Thâm Quyến, ông đã lựa chọn quận Thanh Hải để đưa ra bài phát biểu này.

Thanh Hải là một khu vực tương đối mới có vị trí như là một khu vực trung chuyển của các dịch vụ xuyên biên giới với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong.

Chỉ cách hơn hai giờ lái xe, và băng qua cửa sông nơi sông Châu Giang đổ ra biển, là đảo Hengqin (thuộc Chu Hải, tỉnh Đông Kinh). Giống như Thanh Hải, đảo Hengqin nằm gần một khu kinh tế đã được thiết lập (trong trường hợp này là Chu Hải) và cũng “tự đặt mình vào vị trí” như một trung tâm hợp tác và thương mại với Macau.

Xa hơn về phía Bắc của Thượng Hải là Khu vực Đặc biệt Lingang, nơi tập trung phát triển công nghệ cao và các dự án xuyên biên giới với nhiều ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bốn thập kỷ kể từ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình lần đầu tiên vạch ra việc phát triển bốn thành phố ở miền Nam Trung Quốc (bao gồm Sán Đầu, Thâm Quyến, Hạ Môn và Chu Hải) trở thành các SEZ, các Khu vực Phát triển Kinh tế (EDZ) tương tự nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã mọc lên trên khắp đất nước, bao gồm cả các khu vực nhỏ hơn trong một khu kinh tế (như trường hợp của Thanh Hải, Hengqin và Lingang).

Với hơn 2.000 khu vực kinh tế quy mô khác nhau như vậy trên khắp đất nước - được phân chia thành ít nhất 15 loại khu vực khác nhau chỉ riêng ở cấp quốc gia, cùng với số lượng nhiều hơn các khu vực như vậy ở cấp tỉnh và thành phố, Trung Quốc cho đến nay là quốc gia có nhiều đặc khu hoạt động kinh tế hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và chiếm một nửa tổng số các khu vực kinh tế đặc biệt của thế giới.

Trong khi tất cả những khu vực kinh tế đặc biệt này đều phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc là mở cửa nền kinh tế với thương mại quốc tế, các nhà chỉ trích lại cho rằng sự gia tăng số khu vực như vậy đã làm hạn chế thành công của các khu kinh tế mới hơn.

Vấn đề ở đây là Trung Quốc thiếu một hệ sinh thái đã được thiết lập và quá nhiều khu vực kinh tế tương tự nhau đang tranh giành cùng một miếng bánh.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng nhiều khu vực kinh tế hơn ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền Tây kém phát triển hơn; đó là những khu vực buôn bán thương mại mà hàng hóa không phải chịu thuế hải quan, nơi các công ty được giảm thuế và thậm chí có chính sách ưu đãi về dân cư để thu hút nhân tài.

Điều này đã được thúc đẩy mạnh trong hai năm qua, với nỗ lực làm cho các khu vực kém phát triển trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà chế tạo sản xuất chất lượng cao, nhằm thúc đẩy nền kinh tế địa phương và giúp khắc phục tác động từ những căng thẳng thương mại với Mỹ.

Những thử nghiệm chính sách

Năm 1978, trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách, hướng đến việc mở cửa với thế giới, đã có những mối quan ngại về việc chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế được thị trường định hướng.

Chính phủ Trung Quốc khi ấy đã cần có những khu vực nơi có thể thử nghiệm, kiểm nghiệm các chính sách trong khi không có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý. Một số các thử nghiệm trong số này nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và chuyển nhượng, bán quyền sử dụng đất sau đó đã được triển khai trên toàn Trung Quốc. Hàng hóa được sản xuất tại các đặc khu kinh tế ban đầu này được định hướng đến xuất khẩu và các khu vực này được cho phép các thực thể nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.

Bốn thành phố Sán Đầu, Thâm Quyến, Hạ Môn và Chu Hải cùng với Hải Nam đã được chọn vì vị trí gần các tuyến đường vận chuyển hàng hóa cũng như gần với Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Macau và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Năm 1990, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thành lập các khu vực phát triển kinh tế và công nghệ, như Khu vực Pudong mới của Thượng Hải vào năm 2013 đã được mở rộng và bao gồm các Khu vực Thương mại Tự do (FTZ). Ở những khu vực như vậy (thường là nhỏ hơn các SEZ), các chính sách được hướng đến một số ngành nghề nhất định như trí tuệ nhân tạo, hàng không dân dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập ra một trung tâm công nghiệp.

[Trung Quốc đón nhận thêm nhiều số liệu kinh tế tích cực]

Đến những năm 2000, khi các tỉnh ven biển đã trở nên giàu có, Bắc Kinh đã chuyển trọng tâm chú ý vào trong nội địa và sang các vùng phía Tây, dẫn đến kết quả là việc thiết kế hai thành phố Kashgar và Khorgos ở khu vực tự trị Tân Cương trở thành 2 SEZ.

Chính phủ muốn tái áp dụng mô hình đã được thiết lập ở các khu vực phát triển kinh tế ven biển - nơi các công ty nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách và cơ sở hạ tầng thân thiện với doanh nghiệp. Mỗi khu vực địa lý cũng sẽ có một khu vực trọng tâm được chú ý đặc biệt, cũng như việc vấn đề tăng trưởng kinh tế là để nhằm mang lại lợi ích cho khu vực.

Tuy nhiên, một số khu vực kinh tế chẳng hạn như Khorgos Gateway đã phải “vật lộn, đấu tranh vất vả” để đáp ứng và phát huy hết tiềm năng của các khu vực đó. Nằm ở biên giới Trung Quốc và Kazakhstan, cảng cạn và SEZ Khorgos Gateway được coi là “nền móng quan trọng” của dự án hạ tầng đầy tham vọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường."

Cảng cạn Khorgos Gateway cho phép các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu chỉ trong khoảng hai tuần, rút ngắn vài tuần hoạt động vận chuyển hàng hóa container cũng như cắt giảm các chi phí vận tải hàng không.

Tuy nhiên, con số 180.000 TEU (một đơn vị TEU tương đương với 20 feet, thường được sử dụng để mô tả khả năng chứa của một tàu container) hàng hóa đi qua Khorgos hàng năm thì chỉ là một phần nhỏ trong số hàng triệu container vẫn đang tiếp tục đi lại giữa Trung Quốc và châu Âu bằng đường biển.

Trong khi đó, chi phí cũng rất đắt đỏ. Theo Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington (Mỹ), vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu đi qua Trung Á sẽ không hiệu quả về mặt kinh tế nếu không được Chính phủ Trung Quốc tài trợ tới 40%.

Các tín hiệu lẫn lộn

Năm ngoái, khi khu vực Lingang được bổ sung vào khu vực thương mại tự do thử nghiệm mở rộng của Thượng Hải, đã có những kế hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tự do hơn nữa trong thương mại và đầu tư, cùng với các kế hoạch chuyển đổi khu vực Lingang trở thành một trung tâm sản xuất ôtô, bổ sung cho một nhà máy trị giá 2 tỷ USD của Tesla vốn đã được mở vào năm 2018.

Điều này có nghĩa là sẽ có các chính sách ưu đãi về thuế, chẳng hạn như giảm 15% thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế nhập khẩu cho các công ty công nghệ cao. Chính phủ cũng đã hứa sẽ cân bằng sân chơi trong một số lĩnh vực chính như viễn thông, bảo hiểm và chứng khoán.

Trung Quốc đang phát triển quá mức các đặc khu kinh tế? ảnh 2Quang cảnh Thượng Hải. (Nguồn: Shutterstock.com)

Tuy nhiên, một giám đốc điều hành ôtô có công ty đang tìm cách mở rộng tại khu kinh tế Lingang cho biết, không phải ai cũng có thể trở thành nhà cung cấp của Tesla. Thêm nữa, theo ông này, đối với các công ty lớn hơn, họ muốn được nhìn thấy thêm nhiều chính sách ưu đãi trước khi chuyển đến.

Vị giám đốc này cũng cho hay: "Khi chúng tôi được biết về Lingang vào năm ngoái, họ đã nói có vẻ như đây sẽ là địa điểm mới, nhưng từ các thông báo của chính phủ, có vẻ như họ đang hướng nhiều nguồn lực hơn đến Hải Nam - điều này đưa ra rất nhiều tín hiệu lẫn lộn."

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều tháng sau khi khu kinh tế Lingang được công bố, chính phủ đã tuyên bố rằng toàn bộ tỉnh Hải Nam là một khu thương mại tự do và cảng thương mại tự do phục vụ cho thị trường nội địa. Điều này có nghĩa là không giống như ở hầu hết các khu kinh tế khác, nơi hàng hóa và dịch vụ hướng tới thị trường xuất khẩu, các công ty đặt cửa hàng ở Hải Nam có thể có lợi thế hơn khi có thể tiếp cận thị trường mạnh 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào một số lĩnh vực dường như đang chậm lại. Theo dữ liệu của Chính quyền Thượng Hải, tăng trưởng đầu tư nước ngoài trong khu vực thương mại tự do của Thượng Hải đã giảm 3,5% xuống 6,77 tỷ USD trong năm 2018, so với mức tăng 13,5% lên 7,02 tỷ USD của năm 2017.

Có thể thấy, các khu kinh tế cũng gặp khó khăn trong việc tái hiện thành công của Khu kinh tế đặc biệt Thâm Quyến. Sự chuyển đổi của Thâm Quyến từ một làng chài “ngủ yên” trở thành trung tâm công nghệ và sản xuất với mức tăng trưởng gần 20% hàng năm được coi là một câu chuyện thành công và một trường hợp điển hình cho các khu vực phát triển kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội của thành phố Thâm Quyến năm 2019 là gần 2.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 404 tỷ USD), và trao đổi thương mại quốc tế của thành phố này chiếm khoảng 2,8 tỷ nhân dân tệ, tương đương 10% tổng sản lượng của cả Trung Quốc.

Theo một báo cáo đặc biệt của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, vào năm ngoái, Trung Quốc có 2.543 EDZ với các quy mô và chức năng khác nhau, với 13 khu vẫn đang được phát triển.

Những người ủng hộ các khu vực như vậy nói rằng sự đa dạng tuyệt đối cho phép sự phát triển kinh tế mở rộng hơn nữa trên khắp đất nước, cho phép các khu vực được mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong khi vẫn cho phép các cơ hội thử nghiệm các chính sách khác nhau.

Tiến sỹ Li Jinkui thuộc Viện Phát triển Trung Quốc, một viện nghiên cứu có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết: “Có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng về cơ bản chúng đều phục vụ cùng một mục đích đó là để các chính sách (thị trường) của Trung Quốc có thể sánh ngang với các chính sách trên trường quốc tế."

Cũng theo chuyên gia này, "đây là phương tiện để chính quyền địa phương mở các khu vực riêng của chính họ để giao thương với thế giới bên ngoài, bởi vì nếu không, một số chính sách của Chính phủ Trung Quốc không tương thích với các quy tắc thương mại quốc tế."

Trong khi Trung Quốc năm nay đã thực hiện luật đầu tư nước ngoài cho phép các công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn các công ty trên khắp Trung Quốc, vẫn có những giới hạn về kiểm soát vốn và vẫn có "những danh sách phủ định" đối với những ngành mà người nước ngoài không được phép bước vào.

Theo Phó Giáo sư Gu Qingyang thuộc trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), việc thiếu hụt các hệ sinh thái được thiết lập và quỹ đạo tăng trưởng rõ ràng cũng đã cản trở các công ty mở rộng hoạt động sang các khu vực mới hơn.

Phó Giáo sư Gu Qingyang lưu ý: “Lấy ví dụ, tại Singapore, khi họ muốn xây dựng một trung tâm y sinh học, thì không phải chỉ là về việc xây dựng các phòng thí nghiệm và thu hút các nhà khoa học hàng đầu. Họ cần phải có được một nền tảng vững mạnh trong các trường học, trong khi cũng có các công ty dược phẩm hàng đầu thành lập được các cửa hàng trong nước. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, chỉ có một số lượng có hạn các nhân tài với kinh nghiệm quốc tế có thể mang lại giá trị cho các khu vực kinh tế như vậy, vì nhiều người lựa chọn ở lại các khu vực kinh tế đã được thiết lập hơn. Ví dụ như FTZ Yunnan khi được thành lập với dự định sẽ là một điểm đến cho du lịch chăm sóc sức khỏe, nhưng sự phát triển ở đây còn chậm chạp. Trong khi đó, vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với nước láng giềng Myanmar, được kết nối bởi một biên giới trên đất liền, đã thành công hơn nhiều."

Giáo sư Gu cho rằng Trung Quốc đang chuyển từ trạng thái tăng trưởng số lượng cao sang chất lượng cao. Đó là sự sống sót, tồn tại của những người khỏe mạnh nhất. Rất ít nơi có thể tái hiện được sự thành công của Thâm Quyến và của toàn bộ đồng bằng sông Châu Giang, nơi một chuỗi cung ứng đã được thiết lập. Và những người tài năng không muốn đến nơi mà họ không nhìn thấy tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục