Trung Quốc đợi thời cơ trong chiến tranh thương mại?

Bình luận về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tạp chí Project Syndicate mới đây đăng bài phân tích của giáo sư Kaushik Basu, Trường Đại học Cornell cho rằng Trung Quốc đang đợi thời cơ để đáp trả Mỹ.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bình luận về cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, tạp chí Project Syndicate mới đây đã đăng bài phân tích của giáo sư Kaushik Basu, làm việc tại Trường Đại học Cornell và là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Brookings, cho rằng Trung Quốc đang đợi thời cơ để đáp trả Mỹ.

Thâm hụt thương mại khổng lồ

Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nói rằng rằng đất nước ông đang phải chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Năm 2018, Mỹ xuất khẩu lượng hàng hóa đáng kể trị giá 120,3 tỷ USD sang Trung Quốc, nhưng phải nhập khẩu tới 539,5 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Và ngày 10/5 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã thực hiện một biện pháp cứng rắn là áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ mức 10% lên 25%. Hơn nữa, Tổng thống Trump không ngừng đe dọa tiếp tục áp mức thuế tương tự đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.

Đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua. Rõ ràng, Trung Quốc có lịch sử phớt lờ các thông lệ toàn cầu về thương mại và quản lý tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, việc cố gắng điều chỉnh hành vi này của Trung Quốc bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa của nước này là không hiệu quả. Tệ hơn, điều này có thể tác động tiêu cực đến Mỹ.

Ông Basu cho rằng chính sách thuế quan của Tổng thống Trump bắt nguồn từ sự hiểu nhầm về thâm hụt thương mại. Lấy ví dụ đơn giản: “Tôi hiện đang ở một trạm xe buýt, tôi đi vào cửa hàng và mua mấy gói snack và càphê. Do cửa hàng không mua gì của tôi, tôi bị thâm hụt thương mại với cửa hàng và cửa hàng có thặng dư thương mại với tôi.

Với lý lẽ của Tổng thống Trump, tôi sẽ cần phải chạy ngay lại cửa hàng, phàn nàn về sự mất cân bằng này và khăng khăng yêu cầu cửa hàng phải mua lại một lượng hàng tương đương từ phía tôi.”

Nếu theo logic đó, chúng ta sẽ nhanh chóng trở lại thời kỳ trao đổi hàng hóa và chất lượng và khi đó cuộc sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại trên diện rộng. Lý do thế giới có được sự giàu có và thịnh vượng như ngày nay chính là việc một quốc gia có thể có thâm hụt thương mại với đối tác này, nhưng đồng thời lại thặng dư thương mại với đối tác khác.

[Những phương cách phá vỡ thế bế tắc thương mại Mỹ-Trung]

Do vậy, Mỹ có thể đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng việc tăng thuế quan không nên được coi là cách thức và phương tiện lựa chọn của Mỹ, đặc biệt là hiện nay Trung Quốc đã bước vào hệ thống trao đổi ngoại hối trên cơ sở thị trường.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện cũng có mối liên kết toàn cầu khiến cho việc cô lập nước này trở nên bất khả thi. Sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI) của Trung Quốc hiện có sự tham gia của 126 quốc qia và 29 tổ chức quốc tế.

Sự tự tin của Trung Quốc gia tăng

Sự tự tin của Trung Quốc được phản ánh trong ngôn từ cứng rắn của họ. Như ông Gao Feng, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, gần đây khẳng định: “Nếu Mỹ muốn tiếp tục đối thoại, nước này cần phải biết điều, chân thành và điều chỉnh những động thái sai lầm của mình.”

Trong khi đó, kinh tế Mỹ gần như chắc chắn sẽ gặp hậu quả do mức thuế quan cao hơn. Nhiều nhà bình luận cho rằng các hộ gia đình ở Mỹ sẽ phải gánh chịu chi phí cao hơn do giá cả tăng và tiến tới xu hướng giảm chi tiêu.

Giá cả của một số mặt hàng may mặc sẽ tăng cao và điều này có thể diễn ra tương tự với giày dép (69% giày dép bán tại Mỹ trong năm 2018 là từ Trung Quốc). Các nhà phân tích tại Khoa Kinh tế học của Trường Đại học Oxford ước tính nếu chính quyền Mỹ áp mức thuế quan 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và Trung Quốc đáp trả tương tự, mức tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2020 sẽ giảm 0,5%.

Nguy cơ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh toàn cầu

Cũng nghiêm trọng như tác động trong ngắn hạn, cuộc chiến thuế quan sẽ gây ra tác động tồi tệ hơn trong dài hạn đối với nền kinh tế Mỹ. Điều này xuất phát từ thị phần rộng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ là các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Thuế quan cao hơn sẽ khiến các nguyên liệu đầu vào trở nên đắt đỏ hoặc khan hiếm hơn, tác động tiêu cực tới năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của Mỹ và khiến dự kiến tăng trưởng bị ảnh hưởng.

Trung Quốc đợi thời cơ trong chiến tranh thương mại? ảnh 1Các contenơ hàng hóa từ Trung Quốc chờ được bốc dỡ tại cảng Long Beach, Los Angeles của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong năm 2018, Mỹ nhập khẩu 29,8 tỷ USD mặt hàng may mặc từ Trung Quốc và thêm khoảng 20 tỷ USD hàng da thuộc và liên quan tới da. Thuế quan cao hơn đối với các sản phẩm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho các nguyên liệu đầu vào, bao gồm 186,5 tỷ USD đối với máy tính và đồ điện tử và khoảng 88,6 tỷ USD đối với thiết bị điện và máy móc.

Nếu thuế quan đối với các loại hàng hóa trên tiếp tục duy trì ở múc cao, có nguy cơ Mỹ bị loại khỏi cuộc chơi và bị thay thế bởi các nước khác, tương tự như hiện tượng từng xảy ra đối với Nhật Bản sau những năm 1980 của thế kỷ trước.

Vì vậy, các nhà làm luật Mỹ nên xem xét lại kinh nghiệm của Ấn Độ, nước cho đến tận năm 1991 vẫn áp mức thuế quan cao ngất ngưởng nhằm bảo vệ người sản xuất trong nước.

Hàng rào thuế quan nhập khẩu của Ấn Độ không những dẫn đến mức giá cao hơn cho người tiêu dùng Ấn Độ, mà còn (quan trọng hơn) làm tổn thương chính những người sản xuất mà họ bảo vệ.

Với việc không thể tiếp cận được các nguyên liệu đầu vào có chất lượng, các công ty của Ấn Độ đã không thể có sự cạnh tranh toàn cầu. Chính những cải cách của chính phủ Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 1993, theo đó giảm thuế xuống mức hợp lý hơn, đã giúp nước này tăng trưởng.

Điều thú vị là Trung Quốc hiện dựa vào thuế quan để trả đũa Tổng thống Trump và cũng đang áp dụng các biện pháp khác để giảm thiệt hại ít nhất như thắt chặt bảo hộ trong nước, nhắm vào Boeing và bảo vệ các công ty công nghệ của mình.

Với đánh giá cho rằng Mỹ sẽ không thể duy trì mức thuế quan cao quá lâu, Trung Quốc chắc chắn đang tận dụng thời gian, chờ thời cơ. Và nếu Mỹ làm như thế, cuối cùng nước này sẽ phải trao lại không gian kinh tế toàn cầu cho Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục