Trung Quốc và Nga tiến hành Đối thoại lần thứ tám về vấn đề an ninh Đông Bắc Á tại thủ đô Moskva.
Cuộc đối thoại do Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Igor Morgulov đồng chủ trì với sự tham dự của nhiều quan chức trong ngành ngoại giao, quốc phòng, an ninh của hai nước.
Trong khuôn khổ cuộc đối thoại ngày 10/10, hai bên đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay, nhất trí cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không áp dụng những hành động làm gia tăng căng thẳng, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định tại Bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực nói chung.
Hai cũng bên nhắc lại mục tiêu kiên trì giải giáp vấn đề hạt nhân Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan cần tích cực đáp lại các đề xuất “Hai tạm ngừng,” “Tiến hành song song hai biện pháp” và phương án “Thực hiện dần từng bước” do Trung Quốc và Nga đưa ra, hối thúc các bên sớm quay lại quỹ đạo đối thoại, đàm phán.
Bên cạnh đó hai bên cũng tái khẳng định lập trường phản đối Mỹ và Hàn Quốc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc; đồng thời thống nhất tiếp tục triển khai kết nối, phối hợp chặt chẽ nhằm ứng phó với những biến động trong khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/10 đã hối thúc tất cả các bên kiềm chế xung quanh vấn đề Triều Tiên sau khi hai máy bay ném bom chiến lược B-1B của Không quân Mỹ diễn tập cùng các máy bay chiến đấu của Hàn Quốc gần Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi tất cả các bên tránh khiêu khích lẫn nhau để không làm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong ngày 11/10, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cảnh báo vũ khí hạt nhân có thể phổ biến khắp khu vực nếu thế giới không thể ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Cụ thể, việc Bình Nhưỡng không tuân thủ các nghị quyết hiện tại có thể khiến các nước khác dám hành động bất hợp pháp để theo đuổi vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt, từ đó dẫn tới hậu quả làm gia tăng hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân và làm suy yếu lòng tin về các thỏa thuận ngăn chặn việc phát tán các vũ khí này.
Trước hàng loạt nguy cơ trên, người đứng đầu ngành ngoại giao Australia nhấn mạnh 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp) cần tiên phong bảo vệ hệ thống luật pháp quốc tế và thực thi các nghị quyết hiện nay về cấm thương mại và đầu tư với Triều Tiên.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Australia cũng cho rằng việc các nước bày tỏ lập trường rõ ràng rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả mạnh mẽ sẽ có thể giúp ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bà Bishop cũng khẳng định Australia sẽ không từ bỏ việc ngăn chặn tham vọng này bằng các biện pháp hòa bình, song cũng không loại trừ khả năng Canberra ủng hộ Mỹ “cân nhắc mọi phương án,” bao gồm cả sử dụng vũ lực để ngăn chặn Triều Tiên.
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên được cho là sẽ sớm tiến hành thêm một vụ thử tên lửa trong những ngày tới nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên (10/10)./.