Ngày 18/2, Chính phủ Trung Quốc thông báo cảnh sát nước này đã điều tra 380 đơn vị cho vay trực tuyến và tiến hành đóng băng các tài sản có tổng trị giá 1,5 tỷ USD, sau một loạt vụ bê bối trong lĩnh vực này.
Bắc Kinh đã cho phép ngành tài chính tư nhân nở rộ để cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vốn không được hệ thống ngân hàng nhà nước đáp ứng về vốn vay. Tuy nhiên, các vụ phá sản và lừa đảo gần đây đã gây nhức nhối trong xã hội và khiến dư luận bất bình.
Bộ Công an Trung Quốc thông báo đã tiến hành điều tra vì hoạt động cho vay nói trên có rủi ro ngày càng cao khi nhà chức trách nhận được đơn kiện cũng như ý kến phản ánh về tình trạng lừa đảo, quản lý yếu kém và lãng phí.
Bộ này không cung cấp chi tiết về về các vụ bắt giữ, song nói rằng hơn 100 đối tượng đang bị các nhà điều tra truy tìm trong khi một số đã bỏ trốn ra nước ngoài. Nhà chức trách đã thu giữ hoặc đóng băng 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD).
[Người tiêu dùng nên cân nhắc khả năng tài chính khi vay trực tuyến]
Cảnh sát cho hay các đối tượng bị điều tra với cáo buộc gây lãng phí, xây dựng kế hoạch đầu tư giả mạo và sử dụng các chiến lược bất hợp pháp để huy động.
Tại Trung Quốc, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng trực tuyến đã tăng trưởng 3 con số/năm cho tới năm 2017, thời điểm các nhà quản lý thắt chặt quy định.
Theo thống kê của trang Diyi Wangdai, lượng tiền cho vay tồn đọng đã ở mức 1.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 177 tỷ USD) tính đến cuối năm 2018, giảm 25% so với năm trước đó.
Nhiều người đã cho doanh nghiệp và nhà bán lẻ vay, hoặc đầu tư vào nhà hàng hoặc các loại hình kinh doanh doanh khác. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm và khả năng kiểm soát rủi ro kém đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Một trong vụ bê bối lớn nhất trong lĩnh vực này là những người gửi tiền đã để mất 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,7 tỷ USD) vào túi nhà cho vay trực tuyến Ezubo, trước khi đơn vị này bị cơ quan chức năng sờ gáy vào năm 2015. Nhà sáng lập của Ezubo và người thân của đối tượng đã phải lĩnh án tù hồi năm 2017./.