Trung Quốc tăng quyền định giá kim loại đất hiếm

Trung Quốc đã khởi động cơ sở giao dịch kim loại đất hiếm trong một động thái nhằm tăng quyền định đoạt giá nguồn tài nguyên này.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Trung Quốc đã khởi động cơ sở giao dịch kim loại đất hiếm ngày 8/8 trong một động thái nhằm tăng quyền định đoạt giá nguồn tài nguyên chiến lược mà Trung Quốc đang có ưu thế về sản lượng khai thác.

Inner Mongolia Baotou Steel Rare-Earth (Group) Hi-Tech Co., nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu Trung Quốc, đã hợp tác với chín công ty và thể chế khác đưa cơ sở này vào hoạt động. Công ty này nằm ở thành phố Baotou thuộc Khu tự trị Nội Mông giàu tài nguyên ở miền Bắc Trung Quốc, khu vực được mô tả là nơi chiếm hơn một nửa sản lượng đất hiếm nhẹ của cả thế giới.

Theo quy chế về thắt chặt kiểm soát kim loại đất hiếm mà Trung Quốc ban hành trong tuần này, các công ty khai mỏ và luyện kim cần phải đáp ứng mức sản lượng tối thiểu để được tiếp tục khai thác. Nhật báo Trung Quốc cho rằng điều này có nghĩa là nước này sẽ giảm 20% công suất đất hiếm - được sử dụng để sản xuất các thiết bị thông minh và công nghệ cao.

Những hạn chế trên đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay, khi chính phủ các nước đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nhằm giảm nạn thất nghiệp cao trong nước. Mỹ và châu Âu đang tìm cách tăng doanh số bán các mặt hàng công nghệ cao, trong đó có các sản phẩm được làm từ kim loại đất hiếm.

Trung Quốc đang chi phối thị trường đất hiếm - thành phần chính trong sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và mặt hàng công nghệ cao. Họ đang sản xuất vượt quá 90% trong tổng sản lượng đất hiếm toàn cầu, cho dù dự trữ của họ chỉ tương đương 23% trữ lượng đất hiếm của cả thế giới.

Tầm quan trọng chiến lược của kim loại đất hiếm được mọi người chú ý hồi cuối năm 2010, khi nguồn tin công nghiệp Nhật Bản cho biết Trung Quốc tạm thời cắt giảm xuất khẩu loại khoáng sản này do bất đồng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên.

Một nguồn tin thân cận với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tháng trước cho hay cơ quan này sẽ điều tra việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm theo khiếu nại của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. Phía Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc áp đặt hạn ngạch xuất khẩu, thuế và các hạn chế khác nhằm nâng giá đất hiếm.

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc bên cạnh WTO cho rằng chính sách của Trung Quốc là nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững chứ không bảo hộ ngành công nghiệp trong nước./.

Trang Nhung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục