Trung Quốc và Nga có trở thành "người bạn tốt nhất và thân mật nhất"?

Theo dõi sự thay đổi địa chính trị trong suốt một thập kỷ qua có thể đưa ra nhận định rằng mối quan hệ hợp tác mới Nga-Trung là một cuộc “hôn nhân” với nhiều lợi thế hơn.
Trung Quốc và Nga có trở thành "người bạn tốt nhất và thân mật nhất"? ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: Sputnik)

Kênh truyền thông ABC của Australia vừa đăng bài viết của nhà báo Matthew Carney, phóng viên thường trú tại khu vực Bắc Á, phân tích về mối quan hệ hợp tác mới giữa hai cường quốc Nga và Trung Quốc.

Mở đầu bài viết, tác giả mô tả: Trong bữa tiệc kỷ niệm sinh nhật của ông Putin, bên ly rượu vodka và món xúc xích Nga đặc trưng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là người bạn tốt nhất và thân mật nhất.

Theo tác giả Matthew Carney, cùng với những bất ổn đang diễn ra tại Iran, rất nhiều các quốc gia phương Tây đã tỏ ra lo lắng về một "cơ chế độc tài” mới đang dần nổi lên. Mối quan hệ Trung-Nga được thúc đẩy bởi một "kẻ thù chung" là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa ban hành thêm lệnh trừng phạt đối với Nga và tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

[Trung Quốc và Nga cam kết đảm bảo trật tự quốc tế công bằng]

Hai ông Putin và Tập Cận Bình đã có 26 lần gặp nhau và sẽ tiếp tục có thêm một cuộc gặp nữa vào cuối tháng 9 tới. Hai quốc gia này đang tạo ra mối quan hệ sâu sắc và mạnh mẽ nhất kể từ những rạn nứt vào năm 1979 khi Nga vẫn thuộc Liên Xô cũ. Cả hai nước cùng có tham vọng lớn nhất là ngăn chặn sự thống trị của Mỹ đối với trật tự thế giới. Cùng với sự giúp đỡ từ Iran, hai nước đã thành công trong việc định hình các sự kiện từ Syria cho tới Triều Tiên.

Trích dẫn phân tích của phó giáo sư Stephen Nagy thuộc trường đại học quốc tế Kito giáo danh giá tại Tokyo, tác giả viết: Theo dõi sự thay đổi địa chính trị trong suốt một thập kỷ vừa qua có thể đưa ra nhận định rằng mối quan hệ hợp tác mới Nga-Trung là một cuộc “hôn nhân” với nhiều lợi thế hơn.

Theo giáo sư Nagy, Trung Quốc đang cảm thấy sức nóng từ mối quan hệ này. Bằng cách tăng cường mối quan hệ với Nga, nhấn mạnh sự đồng thuận giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin, sự phát triển kinh tế và quân đội... là thông điệp được gửi tới Mỹ để cho thấy Trung Quốc đã có sự lựa chọn và Nga là một "lựa chọn quyền lực" khi Moskva có thể cung cấp các nguồn năng lượng tương tự như Washington.

Năm 2017, thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc đã tăng 20% đạt hơn 100 tỷ USD. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất và đảm bảo nhất của Trung Quốc. Điều quan trọng hơn cả đó là mối quan hệ quân sự giữa hai nước đang ngày càng được thắt chặt. Nga và Trung Quốc đã tiến hành các chương trình tập huấn quân sự chung từ Biển Nhật Bản cho tới Địa Trung Hải. Rất nhiều thập kỷ trước, Nga chống lại việc bán các thiết bị quân sự tiên tiến cho Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, điều này đã hoàn toàn thay đổi.

Giáo sư Nagy nhận xét: "Nhìn lại 15 năm trước, người Nga chỉ cung cấp các thiết bị quân sự hạng nặng (loại hai hoặc loại ba) cho Trung Quốc. Ngày nay, Nga đã giao dịch cả thiết bị và công nghệ quân sự cao cấp nhất cho Trung Quốc. Điều này cho thấy có sự chuyển dịch chiến lược từ phía Nga." 

Trong dài hạn, Nga có thể sẽ phải lo lắng về sự tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo giáo sư Nagy, cả hai cùng hành động đồng thời là cách hiệu quả để đối đầu với Mỹ mà không dẫn đến xung đột trực tiếp. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không thấy Trung Quốc trực tiếp chống Mỹ, nhưng quốc gia này sẽ xây dựng năng lực và khả năng với các quốc gia giống như Nga, có thể góp phần xây dựng thể chế xã hội và ổn định kinh tế, và khả năng cả hai sẽ đối đầu trực tiếp chống Mỹ." 

Kết thúc bài viết, tác giả Matthew Carney đưa ra nhận định rằng sẽ là không khôn ngoan khi Mỹ tiếp tục kích thích sự hình thành quyền lực từ trục Trung-Nga./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục