Trung - Nga và mối quan hệ “đường ta ta đi”

“Trung Quốc và Nga đồng lòng, nhưng không phải đồng minh,” đó là nhận định của nhà báo Pháp Isabelle Faucon trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng Tám này.
Trung - Nga và mối quan hệ “đường ta ta đi” ảnh 1(Nguồn: military)

Đài RFI đưa tin, cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/7 vừa qua ở Helsinki của Phần Lan, nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga, đã kết thúc một cách mơ hồ, trong tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược."

Tình trạng này có thể đẩy Moskva rơi vào vòng tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù tăng cường hợp tác nhưng Nga và Trung Quốc đang bảo vệ nhiều quyền lợi đối nghịch nhau.

Mặc dù giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga liên tục đưa ra những tuyên bố “thắt chặt mối quan hệ đối tác hữu nghị, tin cậy lẫn nhau,” tại phương Tây, giới phân tích nhận định rằng do tương quan lực lượng không cân bằng và quyền lợi chiến lược mâu thuẫn, con đường hợp tác Nga-Trung Quốc cuối cùng sẽ đi đến bế tắc.


Thực hư ra sao?

“Trung Quốc và Nga đồng lõa, nhưng không phải đồng minh,” đó là nhận định của nhà báo Pháp Isabelle Faucon trên nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng Tám này.

Trên bàn cờ khu vực và thế giới, do có chung mối lo ngại là thế lực phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, chính quyền Nga và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ song phương từ “thân thiện” lên “đồng cảm ở mức cao nhất.”

Một nhà ngoại giao của Nga chuyên về chiến lược châu Á của Moskva cho biết Nga cho phép Trung Quốc trang bị vũ khí tối tân của Nga và sử dụng hạ tầng cơ sở trên lãnh thổ Nga để giao thương với châu Âu qua dự án Con đường tơ lụa mới.

Cụ thể, năm 2014, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây (liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine), lần đầu tiên Nga đồng ý bán tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho quân đội Trung Quốc.

Quan hệ giữa hai đại cường Á-Âu này không hề đơn giản cho đến tận đầu thế kỷ XXI.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, hai nước cảm thấy phải xóa bỏ mối căng thẳng thường trực này bởi đó là chướng ngại cản trở hai nước phát triển.

Phải mất 15 năm Nga và Trung Quốc mới giải quyết xong vấn đề đường biên giới chung kéo dài hơn 4.000 km. Cả Bắc Kinh và Moskva đều muốn “bảo vệ chế độ” và lo sợ bị “khuynh đảo.”

[Trung Quốc và Nga cam kết đảm bảo trật tự quốc tế công bằng]

Theo họ, Mỹ và phương Tây nói chung thường hay can thiệp làm thay đổi các thể chế độc đoán để phục vụ nhu cầu kinh tế và địa chính trị của phương Tây qua các cuộc cách mạng dân chủ và mở rộng NATO.

Trong chiều hướng này, cho dù vẫn giữ thái độ trung lập trong hồ sơ Biển Đông và đã đưa tàu chiến tham gia tập trận chung với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cuộc tập trận diễn ra ngoài vùng biển tranh chấp. Năm sau, Hải quân Nga-Trung cùng tập trận tại biển Baltic, địa bàn xung khắc với Hải quân NATO.


Đồng nhưng không thuận

Tuy "đồng lòng" với nhau về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương và quốc tế, nhưng khi tổng kết thành quả ngoại giao năm 2017, Hội đồng Quốc gia về Quốc tế Sự vụ của Nga nhấn mạnh đến thế áp đảo của Trung Quốc gây bất lợi cho Nga trong quan hệ chính trị và kinh tế.

Cụ thể, cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong 25 năm qua.

Nước Nga của Putin chỉ là bạn hàng thứ chín của Trung Quốc, với trao đổi thương mại song phương là 95 tỷ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ năm 2017 lên đến 555 tỷ USD và với Liên minh châu Âu là 615 tỷ USD.

Nga cũng thua thiệt ngay trong các lĩnh vực như xuất khẩu dầu khí và mua lại hàng tiêu dùng, máy móc, trang thiết bị của Trung Quốc.

Bất lợi cũng diễn ra ngay ở khu vực biên giới. Moskva rất lo lắng về vấn đề an ninh lãnh thổ, mất chủ quyền vì đất rộng người thưa, trong khi phải đối mặt với một Trung Quốc có số lượng dân khổng lồ.

Theo Le Monde Diplomatique, kế hoạch hợp tác Nga-Trung Quốc năm 2009 là bằng chứng cho thấy hai nước “đồng sàng dị mộng”: Trung Quốc muốn nhanh chóng phát triển miền Viễn Đông của Nga mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ “Đông Bắc thiên nhiên” từ thế kỷ 19 với một hệ thống thương nhân hoạt động theo bang hội.

Trái lại, Moskva tìm cách kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc và do vậy tỏ ra không sốt sắng thực hiện đề án này.

Đến 2012, Nga thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông, xây dựng căn cứ không gian Vostotchny và nâng cấp đường xe lửa Baikal-Hắc Long Giang, thu hút đầu tư quốc tế ngoài Trung Quốc, tái quân bình chính sách đối ngoại tại châu Á.

Năm 2012 là năm chiếc cầu treo dài nhất thế giới do Pháp xây dựng, nối liền thành phố Vladivostock với đảo Rousski, được khánh thành.

Nga khéo léo đối phó với làn sóng di dân từ châu Á

 

Theo Đài RFI, ngay từ thập niên 1990, Nga đã rất lo lắng về làn sóng di dân này của Trung Quốc, vì thế, chính sách di trú đối với dân Trung Quốc tại Nga cũng hết sức nghiêm khắc.

Gần đây, người Trung Quốc sang vùng Viễn Đông của Nga để lấy vợ rất đông.

Hiện cơ quan di trú của Nga kiểm tra nghiêm ngặt những người nước ngoài lấy vợ, lấy chồng là người Nga. Đặc biệt, bất cứ trung tâm thương mại nào mà người Trung Quốc thuê để sinh sống hay kinh doanh khó tồn tại quá 6 tháng. Cảnh sát kinh tế Nga tìm mọi cớ để đóng cửa.

Trung - Nga và mối quan hệ “đường ta ta đi” ảnh 2 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cũng theo Le Monde Diplomatique số ra tháng Tám này, Moskva cũng tìm cách hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á. Đó chính là lý do sâu xa khiến Putin đề xuất sáng kiến thành lập Liên minh Kinh tế Á-Âu hồi năm 2015.

Tuy nhiên, Nga lại "dưới cơ" Trung Quốc bởi lẽ Bắc Kinh có nhiều tiền hơn và các nước Trung Á tỏ ra dè dặt với Nga sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã khai thác lợi thế một cách triệt để.

Trước hết, Trung Quốc luôn thận trọng, bảo vệ quan hệ tốt với Mỹ và phương Tây, do vậy không phải lúc nào Bắc Kinh cũng ủng hộ Moskva trong các hồ sơ chiến lược.

Trung Quốc cũng theo chiến thuật “đường ta ta đi,” tránh không làm Nga mất mặt, nhưng tập trung đầu tư vào quyền lợi riêng và không bao giờ "theo chân" Nga công kích phương Tây nếu thấy bất lợi cho Bắc Kinh.


Chính quyền Nga tính toán gì?

Theo RFI, nếu xem xét kỹ các dự án đầu tư giữa hai nước có thể thấy mục đích của chúng là kiềm chế đối phương phát triển.

Ví dụ, Trung Quốc rất cần dầu khí và muốn Nga xây đường ống dẫn thẳng qua Trung Quốc, nhưng Nga lại xây đường ống dẫn sang hải cảng Nakhodka để có thể xuất dầu khí sang Nhật Bản.

Ngược lại, vào năm 2008, khi Nga bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, Nga hy vọng Trung Quốc ứng trước 10 năm tiền mua dầu khí theo thỏa thuận, nhưng Trung Quốc vẫn đủng đỉnh không đưa tiền khi Nga cần.

Do vậy, cho dù hai bên cần tạo lực lượng ngang bằng với Mỹ và NATO, nhưng lại không muốn hợp tác chặt chẽ chỉ vì sợ đối tác mạnh hơn mình. Hợp tác Nga-Trung Quốc vì thế chỉ mang tính chính trị hơn là thực tế.

Vấn đề là Moskva làm cách nào thu hẹp hố sâu cách biệt đang đe dọa an ninh quốc gia? Mới đây, phản ứng tự vệ của Nga đã góp phần làm đổ bể vụ tai tiếng tham ô trong Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Trung Quốc CEFC.

Việc Chủ tịch Diệp Giản Minh bị điều tra làm hỏng kế hoạch chiếm 14% cổ phần của Rosneft.

Theo giới phân tích, cho đến nay, để “giới hạn nguy cơ Trung Quốc,” Chính quyền Nga cố gắng tạo ra một “mối quan hệ tin cậy” và tránh gây hiềm khích.

Tuy nhiên, từ khi đạt được một số thành công về quân sự và ngoại giao tại Trung Đông, Nga đã lấy lại thế cân bằng lực lượng với Trung Quốc.

Theo Viện Chiến lược IISS, cho dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao gấp 3 lần ngân sách của Nga (150 tỷ USD/45,6 tỷ USD) theo số liệu năm 2017, Moskva vẫn bỏ xa Bắc Kinh về vũ khí hạt nhân.

Hội nhập châu Âu?

Trong cuộc chạy đua cạnh tranh với Mỹ, Bắc Kinh không có lý do gì hoạch định chương trình phát triển kinh tế của mình “dựa theo nhịp độ của đối tác Nga.”

Nhà báo Isabelle Faucon đặt câu hỏi: “Liệu Moskva có tiếp tục thụ động dựa vào 'lòng tốt' của Trung Quốc hay bắt buộc phải thay đổi chính sách tăng tốc canh tân đất nước và cởi mở hơn với phương Tây?.”

Dựa vào bài học lịch sử, RFI phân tích: “Trong chiều dài lịch sử, lúc nào Nga cũng hướng về châu Âu hơn châu Á. Ước mơ của Pierre Đại đế từ thời thế kỷ XVIII là mở cánh cửa cho nước Nga sang châu Âu.

Đến bây giờ, ước mơ của người Nga cũng là hội nhập chính trị và kinh tế của nước Nga với dòng chảy chung là châu Âu”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục