Tết Trung thu sắp đến, thị trường đồ chơi cho trẻ em đang có những chuyển động rất mạnh mẽ.
Ghi nhận quanh các tuyến phố chuyên bán đồ chơi, các chủ hàng đã chuẩn bị hàng từ rất sớm để phục vụ Tết Trung thu. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là các loại đồ chơi sản xuất trong nước vẫn chưa chiếm được 10% thị phần.
Hàng ngoại lấn át
Trên các tuyến phố như Hàng Mã, Lương Văn Can... các cửa hàng đã tràn ngập các loại đồ chơi để phục vụ cho trẻ em trong dịp Trung thu 2010. Nhưng một điều đáng buồn là trong hàng trăm loại đồ chơi, đủ chủng loại mẫu mã thì số đồ chơi nhập ngoại chiếm tới 90%.
Anh Trần Đạt, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, các bậc phụ huynh không mấy khi mua đèn ông sao mà thường mua những loại đèn, đồ chơi của Trung Quốc dùng pin, có nhạc. Ngay cả những chiếc trống bỏi có giá chỉ 3.000 đồng/chiếc nhưng cũng rất ít người hỏi mua.
Chính vì nguyên nhân đó mà các loại đồ chơi ngoại được tiêu thụ rất mạnh. Những mặt hàng này chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản... với đủ loại từ thú nhồi bông, điện thoại, xúc xắc cho tới trống gỗ đều có giá bình quân từ 25.000 đến 90.000 đồng/chiếc.
Bên cạnh đó, lồng đèn Trung thu cũng có nhiều mẫu như bé chăn trâu với đuôi trâu biết nhúc nhích, siêu nhân cưỡi rồng... với giá khoảng 65.000-80.000 đồng/cái. Ngoài ra còn có một số loại bướm nhỏ, chuồn chuồn, bọ cánh cam giá khoảng 20.000 đồng/con.
“Các loại đồ chơi nhập ngoại đều có hình thức phong phú với mức giá vừa phải, hợp với túi tiền của đa phần người tiêu dùng,” anh Đạt cho biết thêm.
Trái ngược, những loại đồ chơi Trung thu sản xuất trong nước lại rất đơn điệu về cả mẫu mã và chủng loại, chỉ có một số ít như đèn lồng, mặt nạ, đầu sư tử, các loại đèn nến...
Tuy đèn có nhiều mẫu mã hơn một chút như đèn ông sao khoảng 20.000-30.000 đồng/chiếc, đèn kéo quân khoảng 80.000-100.000 đồng/chiếc nhưng chất liệu không có gì mới mẻ, vẫn giấy bóng kính xanh đỏ, in hoa và dán vào khung tre nứa...
So với năm 2009, giá cả của các loại đồ chơi năm nay đều tăng từ 15 – 20% so với năm ngoái. Các tiểu thương giải thích là do cước vận chuyển hàng hóa, giá nhập khẩu... đều thay đổi nên giá cả cũng chuyển động theo.
Chị Bùi Thanh Phương, chủ một cửa hàng trên phố Lương Văn Can cho biết: “Nhìn chung năm nay tốc độ tiêu thụ nhanh và sớm hơn so với năm ngoái, trong đó chủ yếu là hàng xuất xứ từ nước ngoài. Càng gần Trung thu thì người mua càng đông.”
Cẩn trọng với đồ chơi bạo lực
Trong số những đồ chơi dành cho trẻ em, số lượng những chủng loại mang tính bạo lực tại các cửa hàng không phải ít mặc dù đã bị các cơ quan chức năng nghiêm cấm.
Một chủ cửa hàng trên phố Chả Cá cho biết, các loại đồ chơi mô phỏng các kiểu vũ khí trong game online bán rất chạy như Đột kích, Half-life, Võ lâm truyền kỳ, Thiên long bát bộ...
Những khẩu súng như M4A1, AK47… được sản xuất như súng thật, giá cả các loại “vũ khí” này dao động từ 50.000-200.000 đồng/khẩu. Nếu như muốn trang bị thêm lưỡi lê phát sáng vào đầu súng thì số tiền lên đến 300.000 đồng/khẩu.
Tuy nhiên, những loại “hàng nóng” như thế này các chủ cửa hàng không bao giờ bày bán lên sạp mà giấu dưới gầm hoặc cất trong bao, khi có người hỏi mua mới mang ra.
Chủ một cửa hàng đồ chơi trên đường Lương Văn Can cho biết: “Mấy hàng này bị cấm, khi nào có người hỏi mới bán. Những loại súng phun nước giờ trẻ con ít chơi mà chỉ thích tìm những loại giống trong game thôi.”
Việc loại đồ chơi bạo lực tiêu thụ mạnh như vậy xuất phát từ nguyên nhân nhiều phụ huynh cấm con chơi game trên Internet nhưng lại mua những đồ chơi mô phỏng các loại công cụ, vũ khí trong những game mà con mình yêu thích.
Chị Hoa, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã khẳng định: “Rất nhiều ông bố bà mẹ đưa con ra mua với mục đích để cấm con chơi game. Những loại súng này tuy là súng nhựa nhưng bắn vào người cũng gây sưng tím.”
Những loại đồ chơi bạo lực này đều không có bảng hướng dẫn sử dụng, nếu như có cũng như không vì đều bằng chữ Trung Quốc.
Một chủ hàng tại phố Hàng Mã cho biết, phần lớn đồ chơi Trung Quốc vào Việt Nam qua đường nhập lậu nên chưa được kiểm tra về chất lượng cũng như độ an toàn.
Theo tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam thì, những đồ chơi bạo lực như súng ống, dao kiếm, lựu đạn… sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em. Nếu như để trẻ chơi nhiều lâu dần nó sẽ tác động đến tính cách của các em, thậm chí là ăn sâu vào suy nghĩ…Các bậc phụ huynh nên cẩn trọng khi cho con em mình chơi những loại đồ chơi bạo lực này. Nghiên cứu viên Nguyễn Minh Đức, thuộc Viện tâm lý Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định, cha mẹ nên hướng con cái đến những đồ chơi dân gian. Chúng ta không đoạn tuyệt với những loại đồ chơi hiện đại nhưng nên có sự hướng dẫn cẩn thận giúp tâm lý trẻ em phát triển một cách đúng đắn nhất./. |
Ngọc Cương (Vietnam+)