Trung-Ấn: Chính sách ngoại giao mềm củng cố tham vọng quyền lực cứng

Được khích lệ tinh thần từ 4 hội nghị thượng đỉnh gần đây và từ việc thành lập cơ chế mới về giao lưu nhân dân, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc dường như đang trở lại đúng hướng.
Trung-Ấn: Chính sách ngoại giao mềm củng cố tham vọng quyền lực cứng ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, ngày 30/11/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com mới đây đăng bài viết với nhận định rằng được khích lệ tinh thần từ 4 hội nghị thượng đỉnh gần đây và từ việc thành lập cơ chế mới về giao lưu nhân dân, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc dường như đang trở lại đúng hướng.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, song những diễn biến tích cực thời gian gần đây có thể là động lực để 2 nước tiến tới khôi phục quan hệ hữu nghị toàn diện.

Trung Quốc và Ấn Độ đã sử dụng chính sách ngoại giao quyền lực mềm để củng cố tham vọng quyền lực cứng. Chỉ trong vòng 8 tháng của năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp nhau 4 lần, trong đó có 1 lần không chính thức và 3 lần chính thức. Ngày 21/12/2018, ngoại trưởng hai nước cũng đã thiết lập một “cơ chế cấp cao” liên quan đến những trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân hai nước.

Tập trung vào các liên kết xã hội mới

Các phương tiện truyền thông hai nước có thể thường xuyên đối thoại với nhau hơn. Các điều khoản khác trong cơ chế này cũng bao gồm việc thúc đẩy du lịch song phương và đẩy mạnh hợp tác giữa các bảo tàng của hai nền văn minh cổ đại này.

Để phù hợp với xu hướng hiện nay của giới trẻ, hai nước cũng đạt được thỏa thuận “đồng sản xuất” các bộ phim và các hình thức giải trí khác.

Những lĩnh vực tiềm năng mới bao gồm việc phổ biến ngôn ngữ Trung Quốc ở Ấn Độ và ngôn ngữ Ấn Độ, đặc biệt là tiếng Hindi, ở Trung Quốc. Phương pháp luyện tâm và luyện thân Yoga của Ấn Độ cũng đang ngày càng được chấp nhận ở Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng sẽ thử nghiệm và phổ biến các hình thức võ thuật của mình ở Ấn Độ.

Trung Quốc coi cơ chế quyền lực mềm toàn diện này là một nền tảng xã hội nhằm củng cố sự gắn kết với Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ hai nước gặp nhiều sóng gió suốt gần 70 năm qua.

Đối thoại bền vững

Cuộc gặp Tập Cận Bình-Modi đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc), ngày 27-28/4/2018 được đánh giá là hội nghị thượng đỉnh không chính thức hiếm có. Sự kiện đã giúp hai nước vượt qua những đau thương của cuộc xung đột quân sự kéo dài tại Doklam hồi năm 2017.

Từ đó, hai bên đã đi đến quyết định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh không chính thức Trung-Ấn lần thứ hai vào năm 2019.

Trong số 3 cuộc họp chính thức giữa Tập Cận Bình và Modi năm 2018, cuộc họp được tổ chức tại Thanh Đảo (Trung Quốc) hồi tháng 6 diễn ra vào đúng thời điểm Ấn Độ gia nhập vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trung Quốc đã chấp nhận đề xuất của Nga khi mời Ấn Độ tham gia tổ chức này.

Các cuộc họp giữa hai nguyên thủ quốc gia đã đánh dấu cuộc đối thoại Trung-Ấn mạnh mẽ nhất kể từ năm 1954. Ngoài ra, các cuộc gặp Tập Cận Bình-Modi cũng dẫn đến một loạt các cuộc thảo luận chính trị chính thức. Các cuộc đối thoại về tranh chấp biên giới đã được tổ chức lại trong bối cảnh đầy thiện chí. Các bộ trưởng quốc phòng cũng đã gặp nhau và quân đội hai nước cũng nối lại các cuộc tập trận chung, nhấn mạnh vào việc hợp tác chống khủng bố dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc.

Những cơ hội chiến lược

Việc Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều trong mối quan hệ với Mỹ đã tạo ra một cơ hội chiến lược hiếm có để Tập Cận Bình tìm kiếm một sự gắn kết tốt hơn với Ấn Độ. Mục tiêu chính của Tập Cận Bình là đảm bảo rằng New Delhi không có động cơ chung nào với Washington để chống lại Bắc Kinh.

Đối với Modi cũng vậy, chính những căng thẳng Trung-Mỹ đã tạo ra một cơ hội chiến lược khác biệt để lợi dụng Trung Quốc và có lẽ là cả những lời đề nghị của Mỹ đối với Ấn Độ. Kết quả là, chính sách ngoại giao của Modi và của Tập Cận Bình có thể dựa trên nền tảng của những tính toán chiến lược hiện tại của họ. Ngoài ra, cả hai bên cũng đồng ý xây dựng một “nền tảng xã hội” vững chắc cho sự ràng buộc Trung-Ấn.

Thời gian và không gian nối lại tình hữu nghị

Vấn đề thực sự trọng tâm, trái ngược với vấn đề chiến lược, trong quan hệ gắn kết Trung-Ấn hiện nay là Bắc Kinh và New Delhi có thể dành bao nhiêu thời gian và không gian để tiến tới việc xây dựng mối quan hệ toàn diện trong bối cảnh Tập Cận Bình đang tập trung vào việc thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường toàn cầu nhằm đối phó với những thách thức từ Mỹ.

[Ấn Độ không thể bỏ qua các mối đe dọa an ninh phi truyền thống]

Trong thời gian tới, việc thiết lập lại quan hệ Trung-Mỹ, nếu điều đó xảy ra, và sự phức tạp chính trị của chính phủ Ấn Độ kế tiếp sẽ rất quan trọng đối với triển vọng gắn kết New Delhi-Bắc Kinh, đặc biệt là trong năm nay.

Một vấn đề khác trong thời gian tới là: mối quan hệ đối tác của Ấn Độ với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu chung, như biến đổi khí hậu và thương mại thế giới, có thể khó nắm bắt hơn trước. Lý do là bởi cộng đồng quốc tế đang dần hướng đến quan điểm rằng Trung Quốc, không giống như Ấn Độ, là một quốc gia đã phát triển tất cả các mục tiêu thiết thực, liên quan đến cả 2 vấn đề này.

Ba bước tiến về phía trước

Về lâu dài, Trung Quốc và Ấn Độ phải giải quyết không chỉ tranh chấp về ranh giới mà còn cả sự mất cân bằng thương mại song phương rất lớn. Họ cũng phải tránh một cuộc tranh chấp tiềm tàng liên quan đến việc chia sẻ con sông Brahmaputra (Yarlung Tsangpo). Làm thế nào để tạo ra những ổn định như vậy? Nhiều người nhận thấy sự giảm sút niềm tin rất lớn vào mối quan hệ Trung-Ấn, thông qua lịch sử và cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 của họ, chính là trở ngại thực sự. Để tiến lên phía trước, hai nước cần thực hiện ít nhất 3 bước.

Thứ nhất, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp xây dựng lòng tin Trung-Ấn hiện có.

Thứ hai, tổ chức các cuộc diễn tập thân thiện nhưng có mục đích và đối thoại thẳng thắn trong lĩnh vực quân sự.

Thứ ba, thực hiện chính sách ngoại giao quyền lực mềm. Ấn Độ và Trung Quốc đã lên kế hoạch thực hiện chính sách ngoại giao quyền lực mềm mới nhất của mình, coi đó là mục tiêu lâu dài, chứ không phải chỉ mang tính thăm dò. Do đó, họ nên thúc đẩy mục tiêu chính, đó là hiểu rõ về nước láng giềng của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục