Trước thi ĐH: “Nóng” từ bến xe đến... nơi thờ tự

Ngày 1/7, hai ngày trước đợt thi đại học 2009, các bến xe đông nghịt người, trong khi một số điểm di tích, thờ tự tín ngưỡng cũng luôn nườm nượp người vào ra.

Ngày 1/7, hai ngày trước đợt thi đầu tiên của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, lượng thí sinh và nhân dân từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đổ về Hà Nội tăng lên từng giờ.

Các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Hà Đông, Gia Lâm, ga Hà Nội đông nghịt người và xe. Một số điểm di tích, thờ tự tín ngưỡng, trong đó có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Hà (Cầu Giấy), luôn nườm nượp người vào ra.

10 giờ sáng, tại bến xe Giáp Bát, điểm trung chuyển xe khách lớn nhất của Thủ đô, mặc dù dư âm của trận mưa lớn chiều qua khiến không khí mát mẻ, nhưng mồ hôi vẫn không ngừng chảy trên gương mặt của các thí sinh, người nhà, của cả hàng trăm thanh niên sinh viên tình nguyện đang tham gia chương trình “Tiếp sức mùa thi”.

Nhờ cách tổ chức giao thông hợp lý, từ đường xe vào bến, ra bến, nơi tập kết xe ôm, chỗ gửi xe đạp, xe máy, đến điểm chờ xe,... nên tại đây không xảy ra ùn tắc, chen lấn; người nhà và thí sinh cũng cảm thấy yên tâm hơn.

Trong hành lý của nhiều người, năm nay lại thấy xuất hiện những bao gạo nhỏ, món lương thảo cho những ngày tá túc tại Hà Nội.

Vừa niềm nở hướng dẫn em Nguyễn Hải Yến, người Ninh Bình đến chỗ để đồ, ngồi chờ người nhà đến đón về điểm thi của Học viện Ngân hàng, các thanh niên sinh viên thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Giao Thủy (Nam Định) gồm Trần Văn Thọ, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công Nghệ (Đại học Quốc Gia), Phan Thị Thanh, khoa Tài chính ngân hàng (Đại học Kinh tế Quốc dân) và Trần Thị Trang năm thứ 2 khoa Kinh tế Đại học Thăng Long vui vẻ cho biết, đây là năm đầu tiên hội tham gia tiếp sức mùa thi  tại Hà Nội.

Hội mới thành lập ngày 1/4 năm nay, với ý tưởng tập hợp các bạn thanh niên sinh viên “đồng hương” Giao Thủy đang học tập tại các trường đại học-cao đẳng tại Hà Nội để liên kết tổ chức các hoạt động xã hội, chia sẻ, giúp nhau vượt qua khó khăn học tập tốt và giao lưu với thanh thiếu nhi tại quê nhà. Ngoài điểm hướng dẫn thí sinh và người nhà đặt tại Bến xe Giáp Bát, hội còn tham gia hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình, với tổng số khoảng 25 sinh viên tình nguyện.

Tại khu vực xe vào bến, ngồi trước màn hình máy tính, tay không ngừng di “chuột” tìm kiếm thông tin trả lời các thí sinh, Đặng Thị Sim, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện Học viện Kỹ thuật Quân sự kể, từ 28/6 đến nay, hơn 100 sinh viên đã triển khai hoạt động tư vấn tại 7 bến xe, nhà ga trên địa bàn thành phố và các điểm thi của học viện.

Cùng với các nội dung phục vụ chương trình tiếp sức mùa thi do Thành đoàn-Hội Sinh viên Thành phố cung cấp, từ giữa tháng 5, các sinh viên học viện còn chủ động về các quận, huyện tìm hiểu các thông tin về nhà trọ, địa điểm thi để tư vấn cho thí sinh và người nhà. “Hôm nay là ngày đông nhất từ đầu đợt, trưa bọn em sẽ gọi cơm bụi cùng ăn để chiều còn làm tiếp”, Sim vui vẻ nói.

Những ngày này, Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) là một trong những điểm thu hút lượng lớn thí sinh đại học và người nhà đến cầu may. Các tuyến phố xung quanh khu di tích thường xuyên bị tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Năm nay, để ngăn chặn tình trạng sờ đầu rùa, chạm tay lên bia tiến sĩ, Ban quản lý khu di tích đã dán biển cảnh báo: “Bảo vệ hiện vật, đề nghị quý khách không viết, vẽ, đứng, ngồi, xoa tay lên đầu rùa, bia tiến sĩ” và cùng với cán bộ, nhân viên khu di tích, đội sinh viên tình nguyện của Thành đoàn Hà Nội phối hợp nhắc nhở du khách. Nhưng xem ra, hiệu quả không là mấy bởi ý thức người dân vẫn kém.

Khu nhà bia, nơi lưu giữ 82 bia tiến sĩ luôn là địa chỉ "nóng". Có phụ huynh còn “làm gương” cho con bằng cách chạm vào hiện vật, thậm chí khi chưa thấy con xoa đầu rùa còn mắng mỏ. Tấm biển cảnh báo quá nhỏ dán trên cột bị “vô hiệu hóa”. Khu Đại bái, nơi có ban thờ Khổng Tử và danh nhân Chu Văn An, mùi khói hương đặc quánh, cảnh người chen nhau đông đúc.

Mặc dù nơi đây đã có hướng dẫn khách đến chỉ thắp một nén thương, nhưng vì số lượng người quá đông nên các tình nguyện viên và nhân viên khu di tích vẫn phải liên tục rút hương để tránh khói mù mịt.

Đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm) cũng đón một lượng lớn thí sinh và người nhà đến cầu may trong dịp này./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục