TT-Huế: Cây mai dương xâm lấn hàng trăm ha đất

Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 150ha đất bị cây mai dương - một loài cây dại xâm lấn, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và môi trường.
Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng 150ha đất bị cây mai dương (hay còn gọi là cây mắt mèo) - một loài cây dại xâm lấn.

Từ ven thành phố Huế về phía Nam cho đến giáp thị xã Hương Thủy, đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây mai dương lấn áp nhiều loài cây khác.

Tương tự, ở những vùng đất trũng của các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc cũng đang đối mặt với sự hoành hành của loài cây dại này.

Mai dương là loài cây bụi phát triển rất nhanh, có tán lan rộng. Trên khắp thân và lá đều có gai, nên ở đâu có mai dương, các loại cây khác hầu như không mọc được, hoặc cây nào "vượt" qua được những tầng gai góc của mai dương mà ngoi lên, cũng phát triển èo uột, vì mai dương "ngốn" rất nhanh các chất dinh dưỡng trong đất, làm cho đất bạc màu nhanh chóng.

Mai dương mọc len lỏi vào ruộng vườn, ao hồ của dân, phát triển dày đặc, có nơi bao vây và lấn át nhiều loại cây trồng khác, trở thành hiểm họa khôn lường.

Sự phát triển mạnh mẽ của loài cây này đang gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đê điều, giao thông và tác động mạnh đến môi trường trên địa bàn tỉnh.

Với đặc tính sinh trưởng nhanh, hạt của cây phát tán theo gió và nước dâng đến đâu cây mọc đến đó, cây mai dương có khả năng tái sinh và lan rộng theo cấp số nhân.

Chúng phát triển không chỉ ở vùng ngập nước mà còn sinh sôi trên các vùng đất bán ngập nước, đất khô, đất chưa xây dựng.

Đặc biệt, loài cây này đang xuất hiện và có hiện tượng sinh sôi ngày càng nhiều ở các bìa rừng, ven suối tại hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chỉ thị về việc ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây mai dương, mục tiêu đến năm 2015 cơ bản tiêu diệt hoàn toàn cây mai dương trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã ra quân diệt cây mai dương bằng các phương pháp cơ học (dùng máy móc, cuốc xẻng để đào, bới, chặt...), hóa học (dùng thuốc diệt cỏ), sinh học (dùng cây cạnh tranh, nấm bệnh, côn trùng hại cây mai dương).

Xét về hiệu quả và tính bền vững, phương pháp diệt trừ cây mai dương bằng cơ học được xem là giải pháp tối ưu nhất, không ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, lại ít tốn kém nhất.

Tuy nhiên, diệt trừ loài cây dại này đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và phải được tiến hành liên tục.

Nhân Ngày môi trường thế giới 5/6 vừa qua, thành đoàn Huế huy động đoàn viên thanh niên ra quân chặt dọn cây mai dương dọc hai bên tuyến đường Tố Hữu và khu đô thị mới An Vân Dương. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, tại khu vực trên, cây mai dương đã phát triển um tùm trở lại y như trước.

Ở một số địa phương khác, việc diệt trừ cây mai dương do thiếu đồng bộ, chưa khoa học và làm chưa đến nơi đến chốn nên kết quả vẫn không được cải thiện là bao.

Nhiều người cho rằng, chính những lần ra quân chặt phá không đúng thời vụ, đúng kỹ thuật của người dân đã không mang lại kết quả mà vô tình còn làm vương vãi hạt, phấn hoa, tạo điều kiện cho mai dương tiếp tục phát tán ra diện rộng hơn.

Điều quan trọng hiện nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế nên ứng dụng công nghệ GIS để hình thành bản đồ quản lý cây mai dương. Trên cơ sở, các địa phương trong vùng cần giao khoán về từng đơn vị hành chính, đến từng tổ chức xã hội và trực tiếp đến từng chủ đất có cây mai dương để thường xuyên diệt trừ.

Công tác tuyên truyền để hình thành ý thức, thói quen cho người dân trong việc diệt trừ cây mai dương hiện nay cũng hết sức cần thiết, có như vậy mới hòng ngăn chặn được hiểm họa từ cây mai dương.../.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục