Tu bổ, tôn tạo và phục hồi Di tích Văn Miếu tại Thừa Thiên-Huế

Dự án sẽ phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2, với hệ khung gỗ, mái lợp ngói liệt men vàng cùng các đồ nội thất bên trong.
Tu bổ, tôn tạo và phục hồi Di tích Văn Miếu tại Thừa Thiên-Huế ảnh 1Du khách đến tham quan các điểm tại Quần thể Di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Chiều 26/10, tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII  quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Tu bổ, tôn tạo và phục hồi thích nghi Di tích Văn Miếu” giai đoạn 1.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 65,9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, dự kiến triển khai trong 3 năm.

Dự án sẽ phục hồi thích nghi toàn bộ công trình Văn Miếu chính điện rộng 830m2, với hệ khung gỗ, mái lợp ngói liệt men vàng cùng các đồ nội thất bên trong.

Dự án còn tu bổ, phục hồi sân miếu, Đại Thành Môn, Kim Thanh Môn, Ngọc Chấn Môn, Văn Miếu Môn cùng hạ tầng kỹ thuật liên quan.

Nằm bên bờ sông Hương, di tích Văn Miếu là một trong những công trình tiêu biểu trong quần thể kiến trúc Cố đô Huế-Di sản Văn hóa thế giới. Nơi đây thờ tự các bậc Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và các bậc hiền tài của đất nước. Vì nhiều lý do, cụm công trình này hiện trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, ngôi điện chính chỉ còn lại nền móng.

[Huy động nguồn lực đầu tư để trùng tu, bảo tồn, phát triển di sản Huế]

Với vị thế là Cố đô cũng là vùng đất có truyền thống hiếu học, việc đầu tư tu bổ, phục hồi Di tích Văn Miếu là rất cần thiết nhằm tưởng nhớ đến những danh nhân đã góp phần xây dựng đất nước dưới triều Nguyễn, đồng thời góp phần tôn vinh, cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Thừa Thiên-Huế nói riêng.

Sau khi hoàn thành phục dựng, công trình góp phần làm phong phú thêm cho di sản kiến trúc Cố đô Huế nói chung và cụm Di tích nhà vườn Kim Long-chùa Thiên Mụ-Văn Miếu nói riêng, tạo thêm điểm tham quan hấp dẫn cho du khách.

Tại Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng thống nhất ban hành Nghị quyết “Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế” nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng giá vé tham quan của một số điểm, tuyến phù hợp thực tế trong thời gian tới.

Đáng chú ý là có việc tách phát hành vé tham quan khu vực Đại Nội và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, nâng vé tham quan các điểm di tích Lăng vua Gia Long, Lăng vua Đồng Khánh do vừa hoàn thiện trùng tu đưa vào phục vụ khách tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục