Tử hình tội phạm kinh tế: Tác dụng hạn chế

Một trong những nội dung được quan tâm nhất khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 25/5, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 chính là việc nên hay không nên áp dụng án tử hình đối với tội phạm kinh tế.

Một trong những nội dung được quan tâm nhất khi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 25/5, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 chính là việc nên hay không nên áp dụng án tử hình đối với tội phạm kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng án tử hình đối với các tội phạm kinh tế thì tác dụng răn đe là rất là hạn chế. Nên để những người phạm tội ó thể dùng tài sản của mình để khắc phục hậu quả.

Để luật không bị "nhờn"

Theo Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh, điều quan trọng để đảm bảo tính răn đe với loại tội phạm này là phải xử đúng pháp luật, mà theo đó là vai trò của tòa án trong xét xử phải được đứng một cách độc lập, không chịu bất cứ một sự tác động nào từ bên ngoài, để luật không bị "nhờn" và các đối tượng cũng không dám làm trái luật.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng trong kinh tế luôn tiềm ẩn những rủi ro, kể cả nhà nước cũng có thể có những dự đoán sai và mất mát trong điều hành kinh tế, không ai có thể tài giỏi để làm lúc nào cũng đúng và lúc nào cũng trúng cả.

Cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu hiện nay cũng cho thấy, có những "đế chế kinh doanh lớn" rất vững vàng đã tồn tại hàng trăm năm mà vẫn có thể sụp đổ trong một khoảng thời gian ngắn.

"Tử hình tức là tước đoạt đi quyền sống của một con người. Khi đó, người phạm tội sẽ không còn cơ hội khắc phục hậu quả và sửa chữa những sai lầm do họ gây ra," bà Lan nhấn mạnh.

Để hạn chế loại tội phạm này, theo bà Phạm Chi Lan, cần hoàn chỉnh luật để các đối tượng không lợi dụng được các kẽ hở của luật để vi phạm pháp luật.

Các chuyên gia cho rằng, việc Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 đưa ra thảo luận vấn đề này là cần thiết. Xu thế chung của thế giới là hạn chế đưa ra hình phạt tử hình. Đó một phần là vấn đề về quyền con người, nhưng trên thực tế là hiện tại, án oan vẫn còn.

"Việc sống, chết của con người là cực kỳ quan trọng, và một khi con người đã chết đi là không thể sống lại được," đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhìn lại một số vụ án kinh tế, nhà sử học này nhận định, đương nhiên họ có tội thì họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng  không đến mức phải tử hình. "Vụ án Epco Minh Phụng là một ví dụ. Đã có lần tôi phát biểu với anh em doanh nghiệp rằng những doanh nghiệp hoạt động thành công, chúng ta tôn vinh. Những doanh nghiệp phạm tội buôn lậu, làm ăn bất chính, chúng ta lên án."

Theo ông, không nên chỉ tập trung vào việc định ra án tử hình mà nên tập trung vào việc khắc phục hậu quả về kinh tế do họ gây ra, đó sẽ là thiết thực hơn. Nếu có định danh án tù cho người phạm tội, nên có những án tù có thời hạn.

Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, muốn làm được minh bạch điều này, phải nâng cao hiệu quả của công tác điều tra. Thứ hai là phải giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho người dân./.

Quảng Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục