Tư vấn về phát triển công nghiệp titan ở Việt Nam

Theo quy hoạch, sau năm 2012 là thời điểm thích hợp dừng hoàn toàn xuất khẩu quặng, tập trung nguyên liệu cho chế biến trong nước.
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam tổ chức hội thảo “Tư vấn phát triển công nghiệp titan Việt Nam.”

Hội thảo có sự tham gia các nhà khoa học chuyên ngành chế khoáng sản, khai, tuyển titan, cán bộ quản lý, sản xuất thuộc các viện, trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu, tổng công ty và đại diện một số địa phương.

Thông qua nhiều nội dung liên quan đến tình hình khoáng sản và công nghiệp titan thế giới, những tồn tại và bất cập trong khai tuyển và chế biến quặng titan Việt Nam, các nhà khoa học đưa ra những đề xuất, kiến nghị tư vấn định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp này.

Định hướng quy hoạch phát triển đến 2020, xét đến 2030 gồm quặng trong tầng cát xám và cát vàng đã hoặc đang thăm dò, chỉ còn những khu vực nhỏ lẻ hoặc khó khai thác hay nằm trong khu vực cấm đưa vào dự trữ quốc gia, không quy hoạch thăm dò thêm.

Ở tỉnh Ninh Thuận, những khu vực quặng thuộc tầng cát đỏ đang thăm dò để khai thác sớm; chọn khu Lương Sơn để quy hoạch thăm dò cho phát triển khai thác quy mô lớn.

Sau năm 2012 là thời điểm thích hợp dừng hoàn toàn xuất khẩu quặng, tập trung nguyên liệu cho chế biến trong nước. Quy hoạch khai thác-tuyển, có thể sử dụng công nghệ “ướt” hoặc tuyển thô, tuyển tinh… tùy thuộc vào quy mô, vị trí mỏ.

Kỹ sư Đinh Bá Nấu, Viện Khoa học Công nghệ Mỏ Luyện kim cho rằng với tài nguyên hiện có, trong điều kiện hiện nay, nếu chỉnh đốn công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan-zircon có hiệu quả kinh tế cao.

Các nhà khoa học kiến nghị Chính phủ điều hành các bộ, ngành, địa phương và các ban, ngành liên quan lựa chọn kịch bản cơ sở để thực hiện quy hoạch sẽ giảm được rủi ro về đầu tư, thị trường và hài hòa với điều kiện đất nước đang thiếu điện; Bình Thuận, Ninh Thuận đang thiếu nước. Việc cấp phép thăm dò mới ngoài quy hoạch sẽ không được cấp phép khi trữ lượng để khai thác đã vượt nhiều lần nhu cầu khai thác và chế biến, đảm bảo tính hợp lý kinh tế của việc đầu tư thăm dò.

Chính phủ nên giao Bộ Công Thương cấp phép khai thác-chế biến và chịu trách nhiệm việc quản lý và lập lại đồng bộ khai thác-chế biến, sử dụng hợp lý tài nguyên, sớm dừng xuất khẩu quặng để phát triển bền vững.

Giá trị tài nguyên phải được xác định thành tiền để có cơ sở xác định thuế tài nguyên, đấu thầu khoáng sản… xét xử nghiêm minh theo pháp luật, kể cả trong khuôn pháp hình sự khi các cá nhân, tập thể trục lợi, tham ô tài sản này./.

Hoàng Minh Nguyệt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục