Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thắng lợi của Cách mạng Hồi giáo Iran (Quốc khánh Iran 11/2/1979), Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt Nam tổ chức “Tuần lễ Phim Iran” từ 3-7/3 tại Hanoi Cinematheque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tuần phim Iran giới thiệu sáu bộ phim chủ yếu là tâm lý xã hội, phản ánh đời sống, văn hóa của miền đất mang đậm chất "Nghìn lẻ một đêm" cũng như tâm lý và tính cách của những con người làm nên lịch sử văn hóa một đất nước.
Các bộ phim mang đến những câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình bạn hay cách đối nhân xử thế...
Đặc biệt, khán giả có cơ hội tìm hiểu, khám phá cuộc sống nội tâm, tâm tư và tình cảm của người phụ nữ Iran thông qua một số câu chuyện trong phim "Người vợ," "Cuộc gặp gỡ muộn mằn," "Tôi muốn ngủ"...
Những bộ phim của điện ảnh Iran đều mang một câu chuyện đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó nhiều giá trị và những triết lý sâu sắc.
Trong ngày khai mạc (3/3) các phim sẽ được chiếu dành riêng cho khách mời. Sau đó, từ 4-7/3, rạp sẽ mở cửa miễn phí để đón công chúng yêu điện ảnh.
Rạp chiếu phim đầu tiên ở Iran khai trương vào năm 1900. Thời kỳ đầu, chỉ có phim nhập khẩu, phim thời sự cùng với phim tài liệu do nhà nước bảo trợ được trình chiếu. Khi âm thanh ra đời, các bộ phim nói tiếng Ba Tư trở nên nổi tiếng, khởi đầu bằng bộ phim "Cô gái Lor" năm 1933.
Ngày nay, nền điện ảnh Iran nổi tiếng và đã đạt được nhiều thành công mặc dù kinh phí hạn hẹp và luật kiểm duyệt hà khắc. Số lượng phim được sản xuất hàng năm rất ít, nhưng với những đạo diễn tài năng, cách làm nghệ thuật đầy sáng tạo, các bộ phim của Iran đều được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Năm 2012, bộ phim "Cuộc chia ly" (A Seperation) của đạo diễn Asghar Farhadi trở thành phim Iran đầu tiên giành giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất./.